HỌC MÀ VUI - VUI MÀ HỌC



Hỏi: Người dân có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của CSGT không ?
Trả lời:
Trong HIẾN PHÁP nước CHXHCNVN năm 1992 (đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 11 nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1992) qui định:
Điều 8: "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng".
Và tại Điều 8, HIẾN PHÁP năm 2013 (đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013) quy định:
1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Như vậy, theo Hiến pháp thì người dân có quyền "giám sát" cán bộ nói chung và CSGT đương làm nhiệm vụ nói riêng. Giám sát ở đây ta phải hiểu là ta có quyền kiểm tra "công việc" của cán bộ đương làm mà cụ thể là giám sát việc điều tiết giao thông, tuần tra kiểm soát giao thông, sử lý vi phạm giao thông nói chung.
Dẫn chứng 1 số đối đáp của lãnh đạo các cấp có thẩm quyền:
1. Trong cuộc gặp gỡ, trao đổi với báo chí liên quan đến một số hoạt động của lực lượng CSGT xảy ra gần đây, chiều 22/9/2017 Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, đã khẳng định: "Việc người dân xuất hiện, giám sát hoạt động của CSGT là không vi phạm, chúng tôi không được phép cấm. Người dân có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của CSGT, kể cả được phép quay phim, ghi hình hoạt động của các tổ công tác".
Tuy nhiên, Trung tá Huỳnh Trung Phong cũng thông tin việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo không cản trở hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đơn cử, người vi phạm khi được CSGT gọi vào thì vẫn được phép quay phim nhưng khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ thì phải thực hiện, không được nói “tôi đang quay nên không xuất trình” tức là cản trở hoạt động. Ngoài ra, khi quay phim phải có “văn hóa ứng xử”, có xây dựng và đóng góp. Mọi phản ánh, đóng góp nên chuyển tư liệu hoặc gặp lãnh đạo để phản ánh, tránh trường hợp dùng hình ảnh xấu, cắt dán để bôi nhọ lực lượng. Ông nói:
- Người dân được phép quay. Chúng tôi khẳng định được phép và được quyền giám sát hoạt động của chúng tôi và chúng tôi không có quyền cấm người dân thực hiện điều đó.
Vị lãnh đạo Phòng PC67 Công an Tp.HCM một lần nữa khẳng định.
2. Theo Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Đoàn LS TP.HCM), hiện nay không có quy định nào của pháp luật cấm người dân quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT đang thực hiện nhiệm vụ. Do đó, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm. Hơn nữa người dân hoàn toàn có quyền được giám sát các công việc của cán bộ nhà nước, trong đó có hoạt động công khai của lực lượng CSGT.
3. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết:
- Pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì Bí mật nhà nước (BMNN), các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định "cấm" hoặc "hạn chế" người dân hoặc phóng viên quay phim chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ khi quay phim, chụp ảnh.
- Về nguyên tắc, cán bộ, chiến sỹ CAND trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ duy trì trật tự ATGT đường bộ được giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Qua rà soát, Cục KTVB chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sỹ công an đang thi hành công vụ (nếu không thuộc các trường hợp cấm, hạn chế). Như vậy, việc công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, TTKS, XLVP không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Hơn nữa, cán bộ, chiến sỹ CAND CSGT không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo".
Ông Sơn khẳng định.
---------------------------
Hỏi: CSGT có quyền tra hỏi quyền truy vấn, đòi kiểm tra CMND hay tịch thu máy quay của dân khi đang quay CSGT đang làm nhiệm vụ không?
Trả lời: CSGT không có những quyền đó.
Điều 5 (Số: 01/2016/TT-BCA, ngày 04 tháng 01 năm 2016) quy định có 08 quyền hạn của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ như sau:
Quyền hạn
1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
7. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
-------------------------------
Hỏi: Có văn bản pháp luật nào quy định về giới hạn, khoảng cách hay bất cứ điều gì liên quan đến việc quay fim, giám sát không ? Ví dụ như không được quay sát, quay sau lưng CSGT, TTKS, XLVP... ???
Trả lời: Hiện không có văn bản pháp luật nào quy định về việc này.
--------------------
Hỏi: CSGT có được quyền soát máy, soát camera, xóa hình ảnh trong clip quay cảnh CSGT làm việc không ?
Trả lời:
Cảnh sát giao thông chỉ được quyền làm 08 nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA, ngày 04 tháng 01 năm 2016 như đã ghi trên kia. Trong trường hợp, CSGT đòi xem camera, xóa hình ảnh trong máy quay fim, điện thoại của người dân và CSGT đang vi phạm Điều 21 của Hiến Pháp nước CHXHVNVN (đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013). Trong đó, Điều 21 quy định về QUYỀN CON NGƯỜI như sau:
Điều 21
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luậtthư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Tp.HCM, ngày -1.4.2018
Vs: Thiều Ngọc Sơn