CHỬI GIẶC ĐƯỢC PHONG HẦU
(Mạ tặc thụ phong Hầu)


Chuyện Tam Quốc xưa của nước Tàu có kể rằng: Vương Lãng (王朗 - ?-228) tự là Cảnh Hưng, tướng cuối thời Đông Hán đánh nhau với Tôn Sách nhưng đánh không lại bèn đầu hàng. Tôn Sách không sát hại ông, chỉ trách mắng rồi thả cho ông được tự do như thường dân ở Khúc A. Về sau, Vương Lãng được Tào Tháo triệu về Hứa Xương cử làm Gián nghị đại phu. Năm 220, Tào Tháo mất, con là Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, tức là Ngụy Văn Đế. Vương Lãng phục vụ nhà Ngụy. Tào Phi sai Vương Lãng cùng các danh sĩ Hoa Hâm, Trần Quần, Hứa Chi viết thư cho Gia Cát Lượng, khuyên Gia Cát nên hiểu rõ thời thế, vận nhà Hán đã suy, nên bỏ Hán sang Ngụy. Gia Cát Lượng nhận thư bèn mang quân đánh Ngụy. Vương Lãng với vai trò quân sư cho Đô đốc Tào Chân và Phó đô đốc Quách Hoài tự tin mình có thể dụ hàng Gia Cát Lượng nên ra trước trận du thuyết Gia Cát bỏ Hán về Ngụy, nhưng Khổng Minh không những không bị khuất phục mà còn mắng Vương Lãng là gian thần nhà Hán, bỏ họ Lưu theo họ Tào là nghịch tặc. Vương Lãng nói không lại, uất quá, từ trên ngựa ngã lăn xuống đất chết tươi.

Nếu Khổng Minh (TQ), nổi tiếng là người dụng “khẩu hình công” tức dùng võ mồm, dùng lời nói khích bác, chửi mắng đến chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy thì… Ở Việt Nam ta, cũng có. Có không những chỉ một, mà đến hai nhân vật là Lê Giốc (đời nhà Trần) và Thiều Quy Linh (đời nhà Lê sơ). Cả hai nhân vật đều là người của đất xứ Thanh nhưng nổi tiếng không kém. Việc chửi mắng, nhục mạ địch nhân của hai ông, không chỉ khiến kẻ thù khiếp sợ mà còn được các vua chúa đương thời và các triều đại về sau phong “hầu”, ghi vào sử xanh lưu truyền hậu thế.

Chuyện về hai nhân vật nổi tiếng người xứ Thanh được chép trong sách [Lịch triều hiến chương loại chí], phần “Nhân vật chí”, quyển XII “Bề tôi tiết nghĩa” như sau:

1. Mạ Tặc Trung Vũ Hầu - Lê Giốc

Lê Giốc người làng Kẻ Rỵ huyện Đông Sơn (nay là làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nổi tiếng là người học giỏi, thi đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tuất (1334). Thời vua Trần Nghệ Tông được ban chiếu phong làm An phủ sứ trấn thủ đất Nghệ An.

Năm Mậu Ngọ (1378), quân Chiêm tiến ra Bắc, đánh vào sông Đại Hoàng (nay là ngã ba Tuần Vương). Quân Trần không chống lại để mất thành Thăng Long vào tay quân Chiêm. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mang cháu là vua Trần Phế Đế (con Duệ Tông) bỏ chạy. Lê Giốc lúc đó đang giữ chức Kinh Doãn tại kinh thành bị giặc bắt giữ. Ngự Câu vương Trần Húc đầu hàng Chiêm Thành được cử đến phủ dụ, lôi kéo Lê Giốc quy phục nhưng bị ông khinh bỉ, mắng nhiếc đến mức hổ thẹn mà bỏ đi. Quân Chiêm bắt ông quỳ lạy nhưng ông cả giận quát: “Ta là trọng thần nước lớn, há lại lạy mày là quân tiểu man à ?”. Quát xong lại không ngớt lời chửi bới. Khi bị trói mang đi thiêu sống, ông vẫn chửi, lời chửi vang to khiến giặc vô cùng khiếp sợ. Tương truyền khi tiếng chửi vừa dứt thì Lê Giốc cưỡi khói bay lên, chứng kiến cảnh lạ lùng ấy, quân Chiêm cho là người trời vội quỳ xuống bái lạy.

Việc đến tai triều đình, Lê Giốc được truy phong là “Mạ Tặc Trung Vũ hầu”, lại sai lập đền thờ phụng. Đời Tự Đức, nhà vua có bài thơ vịnh sự trung nghĩa của ông như sau:

Đời mạt văn tàn võ chẳng trau,
Quân thua một trận thật là đau.
Chỉ đem tấc lưỡi la quân giặc,
Để tiếng ngàn thu “Mạ tặc thần”.

Ngày nay, ở làng Kẻ Rỵ vẫn còn đền thờ Lê Giốc, ông được dân chúng tôn là Tiên hiền với duệ hiệu là: “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, Mạ tặc Trung Vũ Hầu Lê tướng công”. Trong đền thờ có đôi câu đối rằng:

Mạ tặc trung thần thanh vạn đại,
Thượng thiên ánh tuyết bạch tam quan.

Nghĩa là:

Trung thần chửi giặc tiếng lưu vạn đại,
Ánh hào quang trên trời vẫn rọi chiếu cửa đền.

2. Mạ Tặc Tiết Nghĩa Tôn Thần, Thọ Xuyên Hầu - Thiều Quy Linh

Trong [Lịch triều hiến chương loại chí], phần “Nhân vật chí”, quyển XII “Bề tôi tiết nghĩa” của sử thần Lê Huy Chú viết: "Thiều Quy Linh ở Y Xá xã, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), năm 27 tuổi đỗ Chánh Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) đời Đoan Khánh, làm đến Tả Thị lang Bộ Lại, vâng mệnh đi sứ. Khi về nghe tin Mạc đã tiếm ngôi, ông chửi mắng hết lời. Về đến cầu Lung Nhĩ, đâm đầu xuống sông chết".

Trong gia phả dòng họ Thiều viết về Đức ông Thiều Quy Linh như sau: Thiều Quy Linh sinh 1478 tên húy là Lãng, tự là Trực Lương, cháu đời thứ 6 của đức Thiều Thốn, người làng Y Xá (nay là thôn Y Xá, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), sinh ra mắt phụng mày ngài, cốt cách thanh tao, mặt đẹp như ngọc. Tự nhỏ đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ, học một biết mười. Tính thích dong chơi nơi đồng dã, thường rủ đám trẻ trong làng trèo leo khắp quần thể An Hoạch sơn (núi Nhồi, xưa kia thuộc thôn Nhuệ, xã Đông Hưng nay thuộc phố Tây Sơn và Nam Sơn phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa), núi Son, núi con nít, núi Thiều… vui ngắm cảnh sơn khê và bày các trò chơi lễ nghĩa.

Năm hai mươi bảy tuổi, niên hiệu Đoan Khánh (端慶) đời vua Lê Uy Mục nhà Lê sơ (Ất Sửu 1505), ông đi thi đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ.

Tính ông khẳng khái, chỉ muốn noi theo Đức Đệ Tam Tổ, Tướng công Thiều Thốn nên một lòng vị quốc, cẩn trọng giữ mình trong sạch, làm quan mà chẳng cầu lợi danh. Học vấn ông quảng bác, văn thơ tao nhã, thoát tục hơn các bậc đồng liêu, được các quan kính trọng, triều đình nhiều lần cất nhắc và giao giữ nhiều trọng trách. Ông làm quan bên Bộ Lại (1), giữ chức Tả Thị Lang kiêm cả chức Lễ Bộ Tham tri (2) bên bộ Lễ. Tuy quan cao, lại chuyên trông coi về các việc xét công, ban tước, phong chức, bãi truất, điều chuyển, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn… nhưng ông vẫn một lòng liêm thẳng, không ăn đút lót của các quan hay phẩm vật, đồ lễ cống tiến của xứ thần các nước di man.

Vào những năm niên hiệu Quang Thiệu (triều vua Lê Chiêu Tông nhà Lê sơ), Thiều Quy Linh được sung chức Bồi Tòng Tả Thị lang Bộ Lễ vâng mệnh vua Chiêu Tông sang sứ bên Trung Quốc (cùng đi sứ TQ chuyến này còn có Thượng thư Bộ Lại, Tiến sĩ Trương Phu Duyệt, người cùng đỗ Tiến sĩ khoa thi Ất Dậu năm 1505 với ông. Khi về nước Trương Phu Duyệt bị Mạc Đăng Dung bắt ép viết chiếu nhường ngôi nhưng ông không viết nên bị Mạc Đăng Dung bãi chức đuổi về làng. Hành động không a dua với Mạc ngụy của Trương Phu Duyệt được người đời khen là tiết nghĩa và được kể lại trong mục Bề tôi tiết nghĩa, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú). Khi về đến cầu Long nhĩ, sông Nhị Hà (sông Hồng bây giờ) nghe tin Mạc Đăng Dung bắt và giết chết vua Lê Chiêu Tông (năm 1526), phế truất vua Lê Cung Hoàng, tự lên ngôi lập ra nhà Mạc. Đức ông Thiều Quy Linh khóc lóc tiếc thương cho cơ nghiệp nhà Lê, chửi bới ngụy Mạc hết lời rồi nhảy xuống sông Nhị Hà tuẫn tiết.

Kịp đến thời Lê Trung Hưng, vua Trang Tông lên ngôi lấy niên hiệu Nguyên Hòa. Các quan tâu lên việc Thiều Quy Linh tuẫn tiết, Vua thương xót, lại xét công khó nhọc trong việc đi sứ nhà Minh (bấy giờ là Minh Thế Tông, vua Gia Tĩnh trị vì từ 1521 - 1566) bèn trọng thưởng, truy phong Thiều Quy Linh là Lễ Bộ Thượng thư, tước Thọ Xuyên Hầu. Lệnh cho dân lập đền thờ quanh năm cúng tế nhằm xiển dương gương sáng của các bậc trung thần hết lòng vì xã tắc (nhà thờ Thiều Quy Linh trước ở xóm Quang thuộc Y Xá xã. Sau Cách mạng văn hóa đã bị đập bỏ hiện chỉ còn sót lại một số dấu phế tích) và tôn ông là “Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Vua chúa các triều sau, khi lên ngôi cũng đều có sắc truy phong, tôn ông. Niên hiệu Thành Thái năm thứ 2 (1890), nhà Nguyễn vì tôn kính gương trung liệt của bậc trung thần bèn truy phong đức Thiều Quy Linh là “Lại Bộ Thượng Thư - Mạ Tặc Tiết Nghĩa Tôn Thần”, gia phong “Quảng Ý Dực Bảo Trung Ương - Thượng Đẳng Thần”.

Việc coi cái chết nhẹ tựa hồng mao, không chịu khuất phục trước kẻ thù, trước kẻ thoán nghịch của hai ông không những khiến kẻ thù khiếp sợ mà còn khiến “Võ lâm quần hùng”, nhân dân, quan gia, vua chúa các triều đại vô cùng cảm kích, ngưỡng vọng và đề cao. Tấm lòng trung nghĩa không tham sống sợ chết, không bán chúa cầu vinh, không bán đứng cái đạo của người “quân tử” trong mình của hai bề tôi Lê Giốc và Thiều Quy Linh thực là gương sáng cho muôn đời sau vậy.

Tp.HCM, ngày 22.8.2018
Thiều Ngọc Sơn.
---------------------
Chú thích:

(1). Bộ Lại hay Lại bộ (吏部) tên cơ quan hành chính thời xưa. Lại bộ là Bộ giữ việc quan tước, phong tước, ân ban thuyên chuyển, lựa chọn, xét công, bãi truất và thăng thưởng, bổ sung quan lại, cung cấp người cho các nha môn. Đứng đầu Bộ Lại là Thượng thư bộ Lại (Lại Bộ Thượng thư).

(2). Thị lang (侍郎) là chức quan đứng thứ ngay sau Thượng thư (thời kỳ trước triều Nguyễn, khi đó tương đương với Thứ trưởng ngày nay); sang thời Nguyễn chức này đứng ngay sau Tham tri một bộ. Tại Việt Nam, thời Hồng Đức, đặt Tả, Hữu Thị lang là quan phó của các Thượng thư tại Lục bộ, trật Tòng tam phẩm.

(3). Tham tri: Tham tri (參知), một chức vụ đặc biệt thời Nguyễn được đặc bổ tại các bộ trong Lục bộ, trật Tòng nhị phẩm. Tham tri là chức triều đình bổ nhiệm để giúp các quan Thượng thư tại Lục bộ và vì vậy, là chức quan cao cấp thứ 2 trong một bộ, dưới Thượng thư, và trên Thị lang.

(4). Bộ Lễ hay Lễ bộ (禮部), tương đương với Bộ giáo dục và đào tạo và Bộ văn hóa thông tin ngày nay. Bộ Lễ chuyên giữ việc lễ nghi, tế tự, khánh tiết, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn tín, phù hiệu, chương tấu, biểu văn, sứ thần cống nạp, các quan chầu mừng, tư thiên giám, thuốc thang, bói toán, tăng lục, đạo lục, giáo phường, đồng văn nhã nhạc. Bộ này trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi cử (thi Nho học khoa cử) chọn người tài ra giúp triều đình.


Nguồn: http://www.thieugiathivantuyentapluc...uoc-phong-hau/