Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Tìm Hiểu Các Võ Phái Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp của Kim Dung

Hybrid View

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    170
    Thanks
    23
    Thanked 21 Times in 16 Posts

    Tìm Hiểu Các Võ Phái Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp của Kim Dung

    11 môn phái nổi tiếng nhất trong truyện Kim Dung


    Kim Dung là một nhà văn chuyên viết truyện Võ hiệp của Trung Quốc. Ông là người hiểu biết rất sâu về lịch sử hình thành và phát triển văn hóa cổ đại Trung Quốc, do đó nhà văn đã căn cứ sử liệu, sáng tạo ra không ít môn phái võ lâm giang hồ khiến hậu thế khi đọc tác phẩm của ông vô cùng ngưỡng mộ luôn tìm mọi cách tìm hiểu xác thực về những môn phái trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung?

    Dưới đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu 11 môn phái võ được nhắc đến trong các tác phẩm võ hiệp của nhà văn.

    1. Thiếu Lâm

    - Trong truyện Kim Dung: Thiếu Lâm được thành lập nhờ Đạt Ma sư tổ vào khoảng năm 500, thời nhà Lương. Đặc điểm võ công của Thiếu Lâm là dương cương, chú trọng về luyện tập sức khỏe, với những vũ khí đặc trưng là côn (gậy), trượng.

    Trong tiểu thuyết, Thiếu Lâm có các bộ Thiếu Lâm thập bát La Hán quyền, Tẩy Tủy kinh, Dịch Cân kinh, Thất Thập Nhị Huyền Môn, Cửu Âm chân kinh, 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm...

    - Sử liệu:

    Thiếu Lâm là một danh môn đại phái thực sự ngoài đời, với tầm ảnh hưởng không hề kém cạnh so với tiểu thuyết. Tuy nhiên hình tượng của vị Bồ Đề Đạt Ma không oai hùng, và cũng không hẳn là "ông tổ của võ học Trung Quốc" như Kim Dung mô tả.

    Đạt Ma mang từ Ấn Độ môn võ Kalaripayattu, có tính chất nâng cao sức khỏe và khả năng tự vệ cho tăng chúng Thiếu Lâm thời kỳ đầu. Về sau, "Công phu Thiếu lâm" tiếp tục được tăng chúng phát triển và đã khác xa Kalaripayattu mà Bồ Đề Đạt Ma đưa tới Trung Quốc.

    2. Võ Đang

    - Trong truyện Kim Dung: Phái Võ Đang được Trương Tam Phong (Trương Quân Bảo) sáng lập vào cuối thời nhà Nguyên, đầu nhà Minh. Đây là một môn phái nội gia chú trọng về luyện khí (hơi thở) và kiếm pháp, lấy nhu khắc cương. Những chiêu thức nổi tiếng của Võ Đang gồm Võ Đang quyền, Thái cực quyền, Thái cực kiếm...

    - Sử liệu:

    Theo "Vương Trưng Nam mộ chí minh" của Hoàng Tông Hy, phái Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập trên núi Thái Hòa (núi Võ Đang) thuộc tỉnh Hồ Bắc, bắt nguồn từ thời Tống hưng thịnh vào thời Minh, thờ Chân Vũ Đại Đế.


    Trương Tam Phong (1247- 1366) cũng là một nhân vật có thật sống vào cuối thời Nguyên đầu thời Minh, chủ trương "phúc do mình cầu, mệnh do mình tạo". Ngày nay, phái Võ Đang vẫn là môn phái Đạo giáo có tầm ảnh hưởng nhất định ở Trung Quốc.

    Núi Võ Đang hay còn gọi là núi Thái Hòa, là một dãy núi nằm ở phía Nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc

    3. Toàn Chân Giáo

    - Trong truyện Kim Dung: Toàn Chân Giáo do Vương Trùng Dương sáng lập vào cuối thời nhà Tống, chống lại nhà Kim. Sau khi nhà Nguyên xâm lấn Trung Quốc thì môn phái này không còn xuất hiện trong truyện Kim Dung nữa. Những chiêu thức nổi tiếng của Toàn Chân Giáo bao gồm Tiên thiên Công, Không Minh Quyền,...

    - Sử liệu:

    Toàn Chân giáo cũng là một giáo phái có thật ngoài đời. Theo tư liệu lịch sử, vào đời nhà Kim, Vương Trùng Dương gặp tiên Lã Động Tân tại trấn Cam Hà, được truyền cho khẩu quyết luyện đan là Toàn Chân. Vương bỏ Nho giáo theo Đạo giáo, tu luyện tại núi Chung Nam, đổi tên là Vương Triết, tự là Tri Minh, hiệu là Trùng Dương Tử. Từ khẩu quyết luyện đan, Vương Trùng Dương chọn tên của giáo phái là Toàn Chân đạo.


    Toàn Chân thất tử

    Tôn chỉ của Toàn Chân giáo là quên mình phục vụ xã hội cứu giúp chúng sinh, tôn trọng sự thật nên rất được kính trọng. Học trò tìm đến ông rất đông, nhưng Vương Trùng Dương dạy dỗ nghiêm khắc, thường đánh đập để thử thách họ nên cuối cùng chỉ còn lại bảy người. Nhóm bảy đạo sĩ này được gọi là Bắc Thất Chân hay Toàn Chân thất tử.

    4. Nga Mi

    - Trong truyện Kim Dung: Theo truyện Kim Dung thì Nga Mi được sáng lập bởi Quách Tương (Quách Tường, con gái của cặp Quách Tỉnh, Hoàng Dung). Võ công của Nga Mi chủ yếu sử dụng kiếm pháp, các chiêu thức dành cho nữ nhi nên chú trọng về tốc độ, độ chính xác, lấy nhu khắc cương.


    Nga My sơn

    Quách Tương tình cờ phải cùng trốn chạy với sư Giác Viễn và đệ tử của Giác Viễn là cậu bé Trương Quân Bảo khỏi Thiếu Lâm Tự. Bởi vậy, về sau, khi Quách Tương sáng lập Nga Mi và Trương Quân Bảo sáng lập Võ Đang, hai môn phái luôn giữ hòa hữu.

    - Sử liệu:

    Nga My Sơn nằm ở phía trung Nam tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc, núi Nga Mi là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn của Trung Quốc.

    Có nguồn tin nói rằng võ phái Nga Mi có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn, Hà Nam, nhưng cho đến nay nguồn gốc của Nga Mi vẫn chưa rõ ràng. Việc truy tìm lịch sử càng khó bởi võ công phái Nga Mi có rất nhiều nguồn gốc, lại không hề nhất quán về đường lối kỹ pháp.


    Tài liệu của Giáo sư Vũ Đức ghi rằng: "Vào thời vua Minh Tuyên Tôn (1426) tại núi Nga Mi, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, võ phái Nga Mi được sáng lập, do nữ sáng tổ Chu Tú Anh, xuất thân từ dòng họ Chu gia giỏi võ, danh tiếng nhiều đời, tại tỉnh Sơn Đông, Hoa Bắc. Vì cha mất sớm, hai anh em Chu Đức Kiệt và Chu Tú Anh được chú ruột, Chu Đức Võ Thượng Nhân, nuôi dưỡng và truyền dạy võ nghệ rất cẩn thận".

    5. Cái Bang

    Cái Bang là một môn phái hoàn toàn giả tưởng của Kim Dung. Kéo theo đó, những Hàng Long Thập Bát chưởng, Đả cẩu bổng pháp cũng đều là giả tưởng. Trong truyện Kim Dung: Cái Bang trong truyện Kim Dung là bang hội của những người ăn mày, được thành lập vào khoảng đầu thời Đường. Những kẻ ăn mày thường sử dụng gậy và quyền pháp, đơn giản, hiệu quả, không mĩ miều; nhưng cũng có những Hàng Long Thập Bát chưởng, Đả cẩu bổng pháp,...

    Cái Bang là "đệ nhất bang", xưng hùng cùng với Thiếu Lâm "đệ nhất phái" và Minh Giáo "đệ nhất giáo". Nhiều nhân vật anh hùng trong truyện Kim Dung từng ở trong bang này như Hồng Thất Công, Kiều Phong, Hoàng Dung...

    6. Minh Giáo

    - Trong truyện Kim Dung: Minh giáo trụ sở đóng tại Quang Minh Đỉnh là 1 trong số 3 đỉnh cao nhất thuộc dãy Hoàng Sơn, phía nam tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc .

    Đệ nhất giáo Minh Giáo xuất xứ từ Ba Tư, truyền sang Trung Quốc khoảng thời Đường. Trong tiểu thuyết có đoạn viết: "Trong sách kể lại minh bạch, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này."

    "Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo."


    Quang Minh Đỉnh

    - Sử liệu:

    Về căn bản, Kim Dung đã bê nguyên lịch sử Mani giáo về để tái hiện Minh Giáo trong tiểu thuyết của ông. Minh giáo đến từ một tôn giáo cổ của Iran, Mani giáo (Manichaeism), do Mani (216-277, người Ba Tư) sáng lập vào khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên, cực thịnh một thời.

    Mani giáo mang tư tưởng mãnh liệt về hậu kiếp và cứu độ chúng sinh, chính điều này đã khiến Mani giáo dễ dàng dung hợp với tín ngưỡng dân gian Trung Quốc vốn đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo... Về sau, đúng như Kim Dung viết, do bị quan phủ chèn ép, giáo phái này tàn lụi dần. Nhưng ở vài vùng của Trung Quốc, những phong tục của Mani giáo như khi ăn phải nuốt ba đũa cơm trắng trước rồi mới dùng thịt, cá; hay buổi sáng lạy mặt trời, buổi tối lạy mặt trăng, vân vân... vẫn tồn tại.

    7. Hoa Sơn

    - Trong truyện Kim Dung: Phái Hoa Sơn nằm trên dãy Hoa Sơn của tỉnh Thiểm Tây, nổi danh với Hoa Sơn kiếm pháp và Tử hà thần công.

    Phái Hoa Sơn có 2 trường phái tranh chấp nhau là phe kiếm tông, lấy chiêu số kiếm thuật làm trung tâm, và phe khí tông lấy việc rèn luyện nội công làm chủ. Hai phe phái này từng mâu thuẫn cực điểm trong quá khứ và chém giết đẫm máu khiến cho các nhân tài phái Hoa Sơn bị tiêu diệt. Nguồn gốc của môn phái này không được nói rõ.

    - Sử liệu:

    Nhiều người cho rằng Hoa Sơn phái vốn là một nhánh của Toàn Chân phái, do Hách Đại Thông, thuộc Toàn Chân Thất tử sáng lập. Hoa Sơn chủ tu đan đạo, sau người ta xếp cả Hoa Sơn vào hàng ngũ kiếm tiên do kiếm thuật danh tiếng.

    Hoa Sơn phái tọa lạc ở dãy Hoa Sơn hiểm trở, trên vách núi dựng đứng. Giống như trong tiếu thuyết "Bích Huyết Kiếm", thầy thường truyền ít trò, "dùng vô thượng khinh công" mà lên xuống núi. Ngày nay người ta đã xây đường mới lên núi, nhưng xem hình cũng có thể thấy sự hiểm trở xưa kia.

    8. Nhật Nguyệt thần giáo

    - Trong truyện Kim Dung: Nhật Nguyệt Thần Giáo là một giáo phái trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ", đóng vai trò tà phái thâu tóm hắc đạo trong truyện.

    Kim Dung không nói về xuất xứ của Nhật Nguyệt thần giáo, nhưng độc giả suy luận rằng nguồn gốc của Nhật Nguyệt Thần Giáo là từ Minh Giáo, vì chữ Minh trong Hán tự gồm hai chữ Nhật và Nguyệt. Ngoài ra Nhật Nguyệt Thần Giáo cũng có những chức vị tương tự với Minh Giáo.

    Nếu giả thuyết của các độc giả là đúng, thì nguyên hình của Nhật Nguyệt Thần Giáo cũng đến từ Mani giáo của Iran như đã trình bày ở trên. Đầu thời Minh, sau khi lên ngôi hoàng đế, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hạ chiếu nghiêm trị tất cả những giáo đồ Minh giáo, ai tham gia giáo phái này đều bị xử trảm. Minh giáo ngày càng suy yếu, đến cuối đời Minh đầu đời Thanh đã hoàn toàn biến mất.

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jul 2013
    Bài gửi
    170
    Thanks
    23
    Thanked 21 Times in 16 Posts
    9. Côn Luân

    - Trong truyện Kim Dung: Côn Luân xuất hiện khá nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng chỉ với vai trò cao quý là... "lót đường". Phái Côn Luân thành lập từ thời Đường bởi Hà Túc Đạo, vốn ban đầu là một môn phái tu tiên, luyện đan cầu trường sinh, rồi dần dần họ chuyển sang học võ. Trụ sở chính nằm trên dãy núi Côn Lôn ở cao nguyên Thanh Tạng.

    Võ công Côn Luân cũng thuộc về hệ võ kỹ đạo gia, chủ về lưỡng nghi tứ tượng, ví dụ như Lưỡng Nghi Kiếm pháp. Nhiều tài liệu chịu ảnh hưởng của Đạo giáo cho rằng võ phái Côn Luân xuất xứ từ... Thái Thượng Lão Quân

    - Sử liệu:

    Dãy Côn Lôn từ lâu đã được xem là thiên đường của người theo Đạo giáo. Nhiều tài liệu chịu ảnh hưởng của Đạo giáo cho rằng võ phái Côn Luân xuất xứ từ... Thái Thượng Lão Quân. Nhưng trong một số tài liệu khác, phái Côn Luân có sư tổ là Chu Đức Võ Thượng Nhân - người chú ruột của người sáng lập phái Nga Mi Chu Tú Anh.

    Vào thời vua Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc (1403 - 1425), nhà vua xuất công khố trùng tu cổ tự Bích Vân trên dãy Côn Lôn để cấp cho Chu Đức Võ Thượng Nhân trụ trì tu luyện, và sáng lập võ phái Côn Luân. Gần ngày tạ thế, Chu Đức Võ Thượng Nhân đã truyền chức Chưởng Môn phái Côn Luân cho Chu Đức Kiệt, người cháu ruột, cũng là cao đồ đắc ý nhất của ngài. Chu Đức Kiệt cũng là anh trai của nữ sáng tổ Nga Mi Chu Tú Anh.

    10. Thanh Thành

    - Trong truyện Kim Dung:

    Cũng như Côn Luân, Thanh Thành xuất hiện khá nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng cũng với vai trò cao quý là "lót đường". Các cao thủ Thanh Thành được mô tả là tu luyện kiếm - khí giống các môn võ phái Đạo gia khác, với Thôi Tâm chưởng và Vô ảnh ảo cước.

    - Sử liệu:

    Núi Thanh Thành nằm cách thành phố Đô Giang, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 15 km về phía Tây Nam, là một trong những cái nôi của Đạo giáo Trung Quốc, với quần thể kiến trúc Đạo giáo còn rất nguyên vẹn.

    Phái Thanh Thành là phái võ học cổ truyền Trung Quốc, được xếp hạng di tích văn hóa phi vật thể tỉnh Tứ Xuyên. Đến nay, phái Thanh Thành đã truyền được 21 đời, và vẫn đang có số lượng đệ tử đáng kể.

    11. Đoàn gia phái (Đoàn thị)

    - Trong truyện Kim Dung: Đoàn gia phái là môn võ phái của họ Đoàn, vương tộc của nước Đại Lý. Đặc điểm của Đoàn gia phái là sử dụng các chiêu thức về điểm huyệt, chỉ công, như Nhất Dương Chỉ hay Lục mạch thần kiếm.

    - Sử liệu:

    Mặc dù võ công Đoàn gia phái hoàn toàn là sản phẩm hư cấu nhưng Đại Lý là một quốc gia thực sự từng tồn tại trong lịch sử phát triển Trung Hoa.


    Thành cổ Đại Lý đang được bảo tồn ở Vân Nam

    Đại Lý là một vương quốc của người Bạch, tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, khi quốc gia này bị đế quốc Mông Cổ xâm chiếm. Đại Lý theo Phật giáo Mật Tông, từ vua tới dân đều sùng đạo. Thành cổ Đại Lý vẫn còn nằm ở Vân Nam, Trung Quốc.

    Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa Nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai dẫn theo nhiều du binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.

    Theo Internet.

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •