Mời đọc thơ "chưởng", được trích trong bài "THIỀU TỘC TRƯỜNG THI" của tác giả: Thiều Ngọc Sơn.

NGUỒN GỐC HỌ THIỀU VIỆT NAM
(越南韶族的原源)



...

Dời đất mẹ, Thiều Châu (24) yêu dấu
Bỏ trăng côi, đụn trấu vữa nhen
Cố quê dải lụa tòa sen
Lòng u, dạ uất, phẫn chen... rối bời !

Có câu: "Quốc, vong thời... nhà nát"
Chính là câu, trẻ hát "đồng dao"
Ngờ đâu, khúc nhạc ngày nao
Bỗng dưng nay lại, ứng vào... "tệ" bang !

Lòng những tưởng, thân mang tài trí
Đuổi Nguyên Mông, thực chỉ gang tày
Đâu ngờ, vận nước, cam gay
"Phản Nguyên - phục Tống", đường đầy... viễn vông.

Gạt dòng lệ, ngoảnh trông núi Hỗ (25)
Áo cha già, lỗ chỗ nắng xuyên
Mù giăng, bịt lối, nhà Huyên (26)
Chợt thương cảm tiếng, Đỗ Quyên đêm hè (27).

Trang tuấn kiệt, cay xè nước mắt
Lạy từ quê, dẫn dắt vợ con....
Cứ theo, đường nhỏ, lối mòn
Đêm đi ngày nghỉ, thân hon hắt gầy.

Trước phòng giặc, đêm ngày truy đuổi
Sau phòng gian, thành “ruổi”... khắp nơi
Một hôm, khi tối xẩm trời
Vừa ra khỏi quán trọ thời, chẳng may...

Quân Mông Cổ, chắn ngay đầu ngõ
Mắt trợn trừng, lộ rõ hung quang
Kiếm đao, tuốt sẵn, sáng choang
Toàn gia tứ khẩu, vỡ toang... mộng trần.

Trước thế giặc, thập phần hung dữ
Tráng sĩ Thiều, nửa chữ chẳng kinh
Ái thê ! Tiên tổ hiển linh
Xin nàng chớ sợ, để mình ta lo !

Ta đủ sức, dạy cho lũ khốn
Nàng dẫn con, tạm trốn vào trong
Dặn dò thê tử, vừa xong
Ngoảnh qua giặc quát: Lũ ông muốn gì !

Đầu đảng giặc, chưa chi vung chưởng
Kèm bảy quyền, những tưởng "tranh tiên"
Ngờ đâu, khách mặt, rõ hiền
Sử chiêu "tiên thoái", chưởng quyền... hóa không.

Giặc “chúng” (28) thấy, mặt "hồng" thủ lĩnh
Sử đến chiêu, "cử đỉnh tế thiên" (29)
Chàng kia, mặt vẫn như tiền
Chẳng chi chút muộn, chút phiền... mới hay.

Cả đám giặc, giở tay lên vỗ
Bỗng nghe câu: Ối khổ, chết ta !
Thấy như, vạn ánh, sao sà
Thằng đầu đảng giặc, lăn ra... chết rồi !

Hơn chục đứa, sau hồi hốt hoảng
Thảy giáo gươm, "loảng xoảng" cùng vung
Thiều gia hiệp lữ (侠旅), thung dung
Sử chiêu, "Mộng nhập Hán Trung" (30) truy lùng.

Chàng dụng chưởng, vô cùng mau lẹ
Chút lại nghe: Ối mẹ cha ôi !
Ngó sơ thời thấy thôi thôi
Đứa què kẻ cụt, máu trôi thành dòng.

Cả đám giặc, tâm trong, thầm nghĩ
Cứ kiểu ni, mạng chỉ tí vong
Bỗng dưng, thảy tất đồng lòng
Bỏ buông gươm giáo, cầu mong... niệm tình.

Chàng bản nghĩ, điêu linh thống khổ
Thảy nguồn cơn, từ chỗ Mông quân
Nhất thời "Nộ phát xung quan" (31)
Định đem giết sạch, chẳng khoan, dung tình.

Bỗng tiếng vợ: Hiếu sinh làm trọng !
Từ bên trong, vang vọng sát tai
Địch nhân, nghe tiếng thở dài
Biết ngay, phận số tuyền đài, chửa thâu.

Vội đồng loạt, khấu đầu cảm tạ
Tứ lạy xong, tất tả "chuồn" mau
Kim Tinh miệng lẩm nhẩm câu
"Nhân sinh hữu mệnh" có cầu tất linh (32).

Xuyên suốt cả, quá trình trốn chạy
Bắt "truy binh" (33) quỳ lạy mấy lần
Kỳ dư, mấy chuyện, tham sân
Tựa như gãi ngứa, đâu cần kể đây !

Dưới kể chuyện, Sơn Tây ngộ "phỉ" (34)
Ngộ lũ người, vô sỉ bất lương
Lũ ăn, quậy phá, thôn hương
Hoại băng hết nhẽ, luân thường bấy nay.

Chuyện xảy bữa, giáp ngày cận tết
Nhìn hai con, lê lết thảm thương
Trong người, bạc hết, cạn lương
Phu nhân toan tính, cùng đường... bán trâm.

"Cây trâm" bán, chỉ tầm năm bạc
Của hồi môn, Mẫu "hạc" trước trao
Mà nay, nhi nữ lòng nao...
Chỉ nhiêu ngợi nghĩ, ngán ngao sự đời.

Mua mấy thứ, xong rời phố núi
Thiều phu nhân, lầm lũi bước đi
Đến bên khe núi tức thì
Bỗng nghe pháo nổ, ngựa phi, chặn đường.

Năm Hán tử, phi thường dữ tợn
Xách trường mâu (35), mắt trợn quát to:
Qua sông ắt phải lụy đò
Bạc vàng trút bỏ, ta cho ngươi về !

Nhìn khắp chốn, sơn khê lặng ngắt
Ngó tà dương, dần tắt... trên đồi
Lòng thầm kêu: Khổ, chồng ôi !
Miếng cơm con trẻ, nhẽ trôi... họng người.

Bước lên trước, tươi cười nàng nói:
Tiện nữ... nhân, con đói, đòi ăn
Phu quân, tại núi đi săn
Đại nhân, thỉnh thấu nhọc nhằn tiểu nhân !

Nhìn nhan sắc, vạn phần rực rỡ
Phục trang như, người ở cung tiên
Lãng quên, vòi vĩnh, bạc tiền
Phỉ xông vào bắt, nàng liền: Dừng tay !

Tiện nữ có, câu này kính bảo
Chớ giở trò, bất hảo ban ngày
Phu quân, tiện thiếp, nhược hay
Bấy chừ có kẻ, cụt tay, mất đầu !

Giọng vừa dứt, xong câu cảnh báo
Phỉ chúa kêu: Hảo... hảo... cô nương !
Cậy chồng trước mặt sính cường (36)
Lệnh ban: Bắt hảo cô nương kia về !

Chỉ phút chốc, sơn khê mù mịt
Chưởng, xà mâu, xoắn xít, lại qua
Phụ nhân, tay chấp liên hoa
Đấu năm đại Hán, thủ hòa trăm chiêu...

Cùng khi ấy, thấy chiều dần tắt
Thiều Kim Tinh, tay dắt hai con
Dõi nhìn về phía đầu non
Thấy mây mù mịt, dặn con đứng chờ !

Đến khe núi, lờ mờ trông thấy
Thiều phu nhân, cùng mấy gã kia
Hỗn công, quyền cước, lia chia
Ái thê thể nhược, máu đìa đầm thân.

Chàng hét lớn: Tặc nhân ngưng thủ !
Xong xuất chiêu, "Phế chủ vi tân" (37)
Kế tung "Hành bộ thích Tần" (38)
"Mai hoa điểm tuyết" (39), địch nhân... ngũ thằng.

Nhị: bất tỉnh, trời trăng, chẳng biết
Tam: đứt hơi, vĩnh biệt thế gian
Ái thê, máu chảy tràn lan
Khắp thân, thương tích, vạn ngàn cấp nguy.

Xà mâu chống, chung quy, chẳng vững
Nhìn cuối trời, lững thững... mây trôi
Hãi kinh, chàng gọi: Nàng ơi !
Vụt lao đến đỡ, "mâu" rời... tay tiên !.

Tp.HCM, ngày 11.11.2019
Thiều Ngọc Sơn.
---------------------
Ghi chú:
(24). Thiều Châu quận xưa còn có tên Thiều Thạch, Hành Châu... nay là Tp.Thiều Quan thuộc tỉnh Quảng Đông Trung Quốc. Tương truyền, Thuấn sau khi dẹp yên các bộ lạc nổi loạn, thấy muôn dân lạc nghiệp, thiên hạ thái bình mới Nam du ngoạn cảnh. Khi qua đất Quảng Đông, Thuấn nhân thấy núi non hùng vĩ mới hạ lệnh dừng chân, sau đó leo lên núi cử nhạc Thiều tế cáo trời đất. Và cũng vì lý do này, sử ghi con cháu vị Chưởng quan coi về lễ nhạc về sau đã lấy khúc nhạc Thiều làm Họ của mình để tưởng nhớ tổ tiên và... chỗ Thuấn làm lễ tế trời cũng mới có tên là Thiều Thạch.

(25). Theo phong tục xưa, núi Hỗ là nơi tưởng nhớ cha. Dĩ lĩnh(岭 - lĩnh là sườn, thấp hơn núi, tức sườn núi Dĩ hay núi Dĩ)là nơi ngóng mẹ. Bởi thế khi xưa ta thường thấy khi đưa phía trước có một bức hoành trắng do hai người khiêng, trên viết bốn chữ “岵山云暗 - Hỗ Sơn Vân Ám” để người lạ cũng có thể biết người chết là đàn ông hay “岂岭云蒙 - Dĩ lĩnh vân mông" là người đàn bà. Theo ngu ý của người viết, viết "蒙 - mông" mới đúng chứ viết "Dĩ lĩnh vân mê 岂岭云迷" là không đúng lắm. Chữ mông (蒙) là bị che đậy, tối tăm; chữ mê (迷) lầm lạc, không phù hợp với người chết lắm. Tục viết như này là vì trong kinh thi có câu:
陟彼岵兮瞻望父兮
陟彼屺兮瞻望母兮
Hán Việt:
Trắc bỉ Hỗ hề chiêm vọng phụ hề
Trắc bỉ Dĩ hề chiêm vọng mẫu hề.
Giải thích:
- Hỗ (岵) chỉ ngọn núi cao lớn, có cây cối rậm rạp...
- Dĩ (屺) âm Hán đọc là "qi" tức kỷ đồng thời giải thích đây là núi trọc, đồi trọc, đồi không có cây cối... ta quen đọc là Dĩ. "Trắc bỉ Hỗ hề chiêm vọng phụ hề" nghĩa là trèo lên núi Hỗ hề, trông ngóng cha hề. Núi Hỗ là núi cao lớn, có cây cối rậm rạp tức ẩn chứa, tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm do vậy, việc lên núi cao, rừng sâu để kiếm củi, săn bắt hay khẩn hoang là công việc của người cha. Nói leo lên núi Hỗ ngóng cha là cái ý đấy. Và "Trắc bỉ Dĩ hề chiêm vọng mẫu hề" là leo lên núi Dĩ ngóng mẹ. Dĩ lĩnh là chỗ núi quang, đồi trọc. Lĩnh(岭) là sườn núi, nơi mẹ thường canh tác, trồng trọt...
(26). Huyên - 萱 : theo sách Chu Văn Công Gia Lễ "Huyên" là tên một loài cỏ - cỏ huyên. Cỏ huyên còn có tên khác là vong ưu 忘憂, nghi nam 宜男, cả hoa và lá đều ăn được. Trong Kinh Thi 詩經 có câu: "Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối - 焉得萱草,言樹之背" có nghĩa là : sao được cỏ huyên, ở sau nhà phía bắc, tức là hoa này vậy. Theo kiến trúc cổ xưa, ở về phía bắc là chỗ của đàn bà ở và vì phía trước thường trồng cỏ Huyên nên gọi là huyên đường 萱堂 tức chỗ của mẹ ở.
(27). Đỗ quyên (杜鹃) tên tiếng Việt là chim Cuốc, tên chữ Hán là Đỗ Vũ (杜宇), ngoài ra nó còn có tên gọi khác là Tử Quy. Giống chim này đầu mỏ hơi cong, miệng to, đuôi dài, lông lưng màu tro, bụng trắng có 1 đường đen thẳng ngang. Nó thường sống chui lủi trong bụi rậm, hồ nước hoặc ao chuôm to to. Đến thời điểm đầu mùa Hạ cuối mùa Xuân thì loài chim này bắt đầu kêu chủ yếu vào những đêm trăng mờ tĩnh mịch, giọng kêu nghe thảm thiết bi ai gợi cho lữ khách tha phương động lòng nhớ tới nơi "chôn nhau cắt rốn".
Theo sách "Sưu thần ký", Đỗ Vũ (杜宇) là tên một vị vua nước Thục trong thời Chiến Quốc. Đỗ Vũ hoang dâm nên chính sự nước Thục không ổn định. Lại nhân thấy nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế, hiệu Thục Vọng Đế (蜀望帝). Đỗ Vũ thông dâm với vợ tướng quốc Biết Linh (鳖灵). Chuyện thông dâm bại lộ, Thục đế thẹn bèn nhường ngôi cho Biết Linh. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền, Biết Linh chuyển ý, ngược đãi Thục đế khiến Thục đế uất hận bỏ nước ra đi. Tương truyền sau khi Thục đế chết, linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc". Người đời bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy. Và cái tên chim Cuốc xuất phát từ tiếng kêu này mà thành.