Tìm hiểu về nhân vật… “Bành Tổ”

Thiều gia_Trong văn hóa dân gian người Việt, khi nhắc đến thuật trường thọ, dưỡng sinh, người ta hay nhắc đến nhân vật có tên kêu Bành Tổ. Vậy Bành Tổ là ai và người Việt nhắc đến ông với dụng ý gì?
Bành Tổ vốn dĩ là người Hoa Hạ sống trong thời thượng cổ, ông có tên là Bành Khang. Tương truyền, lúc Bành Tổ sinh ra, do Nam Tào mãi nhậu với Bắc Đẩu nên quên không ghi tên Bành Khang vào sổ “Sanh tử bạ”, nhân vì chuyện lọt sổ này mà ở dưới hạ giới, Bành Tổ sống đến hơn 800 năm. Chuyện người Việt trong lúc đàm về dưỡng sinh, thọ yểu hay trong lúc đau ốm, lúc sanh ly tử biệt thường nhắc đến Bành Tổ là vì muốn đưa dẫn chứng sống động về thuật trường thọ và cũng là có ý muốn động viên nhau (nhất là lúc thăm người trọng bệnh) cố mà sống lâu, sống khỏe, sống cho đông vui… chứ thiển nghĩ Lê Hoàn, Nguyễn Huệ mà chưa chết, chỗ đâu cho ta đứng ngày hôm nay.


Tục ngữ nói “Nhân sinh hữu mệnh – Phú quý tại thiên” nghĩa là sống chết có số. Lệ phàm, đã nói con người “sống chết có số” thì cầu cũng chẳng được do vậy, ta cũng chẳng luận đàm về việc đấy làm gì, dưới đây, xin cung cấp chút ít thông tin về nhân thân của cụ “Bành” để các bạn đọc giải trí.

Truyền thuyết sinh động: Thời xưa, có nhà nọ sinh được một bé trai trông rất kháu khỉnh, mặt mũi sáng sủa, đặt tên là Bành Nhi. Một bữa, có vị thầy bói đi qua nhìn thấy Bành Nhi liền thất kinh nói rằng: “Tội nghiệp, thằng bé đĩnh ngộ thế mà 10 tuổi đã phải chết!” Cha mẹ cậu bé nghe thầy phán vậy thì hoảng hốt, xin thầy cứu giúp. Thầy liền bảo cha mẹ cậu bé phải làm theo đúng các bước ông chỉ dẫn.


Sáng hôm sau, Bành Nhi bèn bưng một mâm đào vừa to vừa ngon lên núi, tới nơi thầy bói dặn, thì thấy ở nơi đó suối chảy, hạc bay, mây vờn tùng bách, trên một tảng đá phẳng có hai ông tiên đang ngồi đánh cờ tướng. Bành Nhi rón rén lại gần, nhẹ nhàng đặt mâm đào xuống rồi vòng tay ngồi đợi. Hai ông tiên mải đánh cờ, thấy có đào ngon bèn cứ thế cầm lên, vừa đánh cờ vừa thưởng thức đào.

Khi đánh xong ván cờ, hai vị tiên mới phát hiện ra chú bé dâng đào lấy làm thích lắm, bèn hỏi chuyện. Bành Nhi bèn kể hết mọi chuyện của cậu. Té ra hai vị tiên đó là Nam Tào và Bắc Đẩu, giữ sổ sinh tử trên Thiên đình. Giở sổ ra, hai ông thấy số tuổi của Bành Nhi đến số 10 là hết. Cả hai bèn bàn nhau thêm một nét phẩy lên trên chữ “thập”, biến chữ “thập” (十) thành chữ “thiên” (千, hay nghìn). Thế là Bành Nhi được sống đến nghìn tuổi. Từ sự tích này mới có câu “Sống lâu như ông Bành Tổ”.

Theo một thuyết khác: Bành Tổ mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ. Lên ba tuổi thì mẹ cũng qua đời. Từ đó Bành Khang lớn lên trong cảnh lang thang.

Một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, và để trọng thưởng liền bảo: “Nhà ngươi đếm xem trên mình gà rừng có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ, thì nhà ngươi sông được bấy nhiêu tuổi”. Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 1000 sợi. Bành Tổ đã lẳng lặng trốn đến một vùng hẻo lánh phía tây nước Lưu Sa(?), để lẩn tránh sự dò hỏi của mọi người về bí quyết sống lâu, sống nốt quảng đời còn lại của mình.

Theo “Thần tiên truyện”: Bành Tổ là người họ Điền tên Khanh, là cháu 6 đời vua Chuyên Húc. Vua Nghiêu phong cho ông đất Đại Thành (tức Bành Thành – Từ châu) vì thế nên gọi ông là Bành Tổ. Trải qua nhà Hạ đến cuối nhà Ân, ông đã 767 tuổi mà vẫn còn khoẻ, được mời ra giữ chức Đại phu. Thuở nhỏ, ông thích điềm tĩnh, không thiết gì công danh phú quý, chủ việc dưỡng sinh. Khi phải ra làm quan, ông thường cáo ốm ở nhà không dự gì đến chính sự.

Một huyền thoại kể về cái chết của Bành Tổ: Trong một buổi chầu, Ngọc Hoàng Thượng đế nghe Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ tâu rằng dưới trần gian có một ông già ngồi câu cá ở bờ Vị Thủy rất lâu rồi, ngồi đến nỗi tảng đá lõm thành hình cái mông đít mà sao chẳng thấy ông ấy chết. Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào và Bắc Đẩu hóa thành người phàm đi tuần du chốn nhân gian, khi đến bờ sông Vị thấy một ông già ngồi câu cá bèn hỏi: ” thưa cụ, cụ ngồi đây có bao giờ thấy hiện tượng nước chảy xuôi hòn đá trôi ngược không ạ “. Bành Tổ cười lớn nói: ” ta ngồi câu cá ở đây đã 800 năm chưa bao giờ thấy có chuyện như thế cả, các anh định hỏi đùa ta chắc “. Nam Tào và Bắc Đẩu bèn hỏi: ” thưa cụ, vậy cụ tên gì ạ “. Sau khi Bành Tổ nói họ tên thì Nam Tào và Bắc Đẩu biến mất về tra lại sổ sinh tử thấy không có ai tên như vậy đoán chắc lúc người này sinh ra mình đang bận gì nên sót tên không ghi bèn viết tên Điền Khanh vào sổ sinh của Bắc Đẩu rồi lấy sổ tử của Nam Tào ra gạc đi, Bành Tổ ở dưới trần lăn đùng ra chết.

Thiều gia sưu tầm.

Nguồn: http://www.thieugiathivantuyentapluc.com/1928-tim-hieu-ve-nhan-vat-banh/