PDA

View Full Version : Dân Tộc và Quốc Gia - Lấy Dân Làm Gốc



taothao
02-09-2012, 09:15 AM
Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân: những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ.

Trong những ngày kỷ niệm lịch sử đầy ắp suy tư này, có lẽ mỗi chúng ta đều tâm niệm được rằng "Nước chúng ta, Nước những người chưa bao giờ khuất" và dường như đều cảm nhận được những vang vọng trong sự tĩnh lặng thẳm sâu : "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất . Những buổi ngày xưa vọng nói về".

Những tiếng vọng của ông cha ngàn đời có sức lay động tâm tư của mỗi người Việt Nam về vận nước. Và rồi, "một quá khứ gần và một quá khứ xa ít hay nhiều hòa vào nhau trong sự đa dạng của thời hiện tại : trong khi một lịch sử gần chạy nhanh về với chúng ta thì một lịch sử xa lại chạy đến với chúng ta bằng những bước chân chậm rãi"2 . Nhưng dù "gần" hay "xa", dù "nhanh" hay "chậm ", thì những "rì rầm trong tiếng đất" ấy vẫn có sức khơi gợi mãnh liệt những nỗi niềm dân tộc vào thời điểm mà vận nước đang gọi dậy những âm vang lịch sử hào hùng và quật khởi.

Những ngày mùa thu Tháng Tám năm nay, vì vậy, càng xốn xang khi nghĩ đến 67 năm về trước, như một phản ứng dây chuyền, mệnh lệnh khởi nghĩa vang lên: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dây đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Mệnh lệnh ấy như được phát ra từ trái tim yêu nước vốn lưu chuyển trong huyết quản dòng máu quật khởi Việt Nam. Cả nước ào lên, chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền Và rồi, "Người lên như nước vỡ bờ. Nước Việt Nam từ trong máu lửa. Rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa".

Cái ánh sáng lòa ấy liệu có mối liên hệ nào với những dòng "ánh sáng" từ bộ óc lớn của Victor Hugo, đại văn hào Pháp: " Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì?... "Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó".?

Cũng chính từ đó mà đại văn hào Pháp khuyến cáo: "Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý"!

Đừng quên rằng, lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngày từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ. Theo Hégel, động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân: những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ.

Chỉ ra được thời điểm ấy chính là người đem lại ánh sáng tỉnh thức theo V.Hugo! Mối liên hệ giữa "ánh sáng tỉnh thức" vói "các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó" tạo ra hiện tượng "người lên như nước vỡ bờ" kia là một bí ẩn lịch sử! Ánh sáng tỉnh thức ấy đến từ đâu nếu không phải từ bộ phận tinh hoa của nhân loại nói chung và của dân tộc nói riêng.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/cogomsu1_1346227841.jpg

Ảnh TTVH

Nếu cần nói về "biện chứng" thì đấy mới chính là biện chứng theo ý nghĩa hàm súc đích thực của nó! Đó chính là biện chứng của cuộc sống trong dòng chảy miệt mài, sôi động, nghiệt ngã và không bao giờ ngưng nghỉ của một đất nước như "đất nước vốn xưng văn hiến đã lâu" của chúng ta. Khi nói đến bộ phận tinh hoa của dân tộc chính là nói đến sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại vào trong họ, sức mạnh ấy làm nên lịch sử.

Tại sao nói như vậy? Tại vì, "ngay cả những tư tưởng thiên tài của những vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắc rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng. Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông". Gustave Le Bon giải thích như thế trong công trình nghiên cứu nổi tiếng "Tâm lý học đám đông". Và rồi cái "bí ẩn của sức mạnh đám đông" ấy sẽ bùng phát mạnh mẽ khi được đánh thức bởi những tư tưởng khai sáng.

Tư tưởng khai sáng ấy đến từ đâu nếu không phải từ những bộ óc con người? Đương nhiên, không phải ở bất cứ bộ óc người nào. Cũng không phải từ trò chơi xúc xắc của thượng đế hay của các thế lực siêu nhiên nào đó. Theo Einstein: "Tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt". Còn Gustave Le Bon thì lưu ý thêm rằng: "Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ". "Cái bí ẩn" đến từ đó, và người ta cho rằng đó là cái bí ẩn của lịch sử!

Bí ẩn ư? Hãy nghe từ bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX: "cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình". Albert Eintein đã khẳng định mạnh mẽ như vậy đấy! Và rồi, bộ óc thiên tài ấy tuyên bố thật sòng phẳng và cũng thật tường minh: "Với tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá đủ!".

Phải chăng vì thế mà ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, bất cứ thể chế chính trị nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc cũng giữ một vai trò " không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc". Bởi vậy mà "trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá".

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng sống động của điều ấy. Cứ nhìn vào thành phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời, và sau đó là Chính phủ Kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, là hiểu rõ được điều đó. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân mà bộ phận trí thức ưu tú, những "hiền tài", bộ phận tinh hoa tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc được quy tụ bởi một tầm nhìn vượt lên phía trước, bứt khỏi những bất cập, hạn hẹp.

Phải vượt lên khỏi sự hạn hẹp mới quy tụ và phát huy được "nguyên khí quốc gia" mà ông cha ta từng trân trọng vun đắp, phát huy : "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...", câu này được Thân Nhân Trung, danh sĩ dưới triều Lê Thánh Tông thế kỷ XV, cho khắc lên tấm bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442).

taothao
02-09-2012, 09:16 AM
Trân trọng và chân thành quy tụ hiền tài, mời họ vào trong Chính phủ Kháng chiến của mình, Hồ Chí Minh đã làm theo lời dạy ông cha. Có thể nói đó là một ứng xử văn hóa.

Đáng buồn là hiện thực sống động và thấm đẫm chất văn hóa ấy có lúc bị chìm đi bởi nhiều lý do, trong đó, nguy hiểm nhất là cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp được xác định là "động lực của sự phát triển", đưa cuộc đấu tranh "ai thắng ai" mà điểm quy chiếu là "ý thức hệ" chứ không phải là lợi ích dân tộc làm điểm tựa để nhìn nhận và đánh giá trong mọi ứng xử, làm đảo lộn hệ thống giá trị truyền thống văn hóa, nền tảng tinh thần của đời sống xã hội!

Từ Đại hội VI, với tư duy "Đổi Mới", chúng ta thấy rõ đó là một sản phẩm duy ý chí, "lấy lòng mong muốn thay cho thực tế"12 và vì vậy mới có Cương Lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được xác lập từ tháng 9.2004: "đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đầt nước vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh". Xác lập được điều này chính là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục diện mới, rất mới.

Bởi lẽ, phát triển luôn luôn là tự phát triển trong tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống.

Từ cái "tập đại thành" ấy, từ những suy tư nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, mà nghiền ngẫm về cái triết lý " hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm " để hiểu thêm về những "hạt bụi", về cái chất phù sa đã ươm mầm cho những tư tưởng thiên tài, ở đó đúc kết trí tuệ của của tinh hoa trong nhân loại và trong dân tộc, vun đắp nên "nguyên khí quốc gia" như ông ta răn dạy !

Để làm gì? Để mà ngẫm sâu về "sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại trong họ, lực lượng làm nên lịch sử. Để mà ngẫm sâu về cái "bí ẩn của sức mạnh đám đông" mà Gustave Le Bon nói đến và được Albert Entein nêu lên, mà chính đó mới đích thực là biện chứng của lịch sử. Xem ra, hiểu được cái "biện chứng" này là không dễ vì đó chính là kết tinh của văn hóa. Chẳng thế mà theo M. Gorky : "Tổ quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn"14. Nên chăng, xin được nối vào sau câu của văn hào Nga một ý : đất nước sẽ thật sự sáng lòa khi có nhiều văn hóa hơn!

Và quả thật, còn quá nhiều những việc phải làm để tiếp tục "rũ bùn", những thứ bùn đang đặc quánh lại níu kéo những bước đi tới của đất nước, đang làm vấy bẩn đời sống tinh thần xã hội, đang làm hoen ố gương mặt tuổi thơ...để cho đất nước thật sự "sáng lòa"! Mà vì thế càng hiểu hơn lời cảnh báo của văn hào Nga từ những năm 1918 : : "Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần. ... Vì vậy mà : "Dân tộc này phải còn nỗ lực rất nhiều đế đạt đến ý thức về bản sắc và nhân phẩm của nó. Dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa cháy không bao giờ dứt của văn hóa.

Đâu phải chỉ người Nga mới cần hiểu được sự cảnh báo đó! Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh năm nay, xin gợi lên đôi điều suy ngẫm nói trên.

bach_ho
24-12-2012, 08:48 PM
Một bài phân tích thật chí lý về thuật đối nhân xử thế, cách dụng hiền tài, về tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc.

ngochai
25-12-2012, 10:38 AM
Một bài phân tích thật chí lý về thuật đối nhân xử thế, cách dụng hiền tài, về tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc.

Xưa kia Chí Sỹ như Cụ Phan của nước ta đã có câu: "Khai Dân trí, chấn Dân khí", vả chăng vẫn còn manh tính thời sự cho đến ngày nay.

Nhân ngày Quân Đội Nhân Dân 22/12 lại nhớ đến những câu Thơ hào hùng của Thi Tướng Huỳnh Văn Nghệ:



Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.

Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực

Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,

Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…

thieugia
25-12-2012, 12:05 PM
Xưa kia Chí Sỹ như Cụ Phan của nước ta đã có câu: "Khai Dân trí, chấn Dân khí", vả chăng vẫn còn manh tính thời sự cho đến ngày nay.

Nhân ngày Quân Đội Nhân Dân 22/12 lại nhớ đến những câu Thơ hào hùng của Thi Tướng Huỳnh Văn Nghệ:



Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.

Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực

Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.

Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,

Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…


http://thaicucthieugia.com/images/stories/moitinh/dsc02489.jpg
Chiến binh xưa
http://pic6.nipic.com/20100415/218586_232638005796_2.jpg
và chiến binh hiện đại ngày nay

Bài thơ này hay đấy. Nhưng có điều qua bài thơ ta có thể thấy người lính Việt có cái vẻ gì đó giống như những chiến binh của dân tộc Hung Nô, Tiên Ti, Đột Quyết của Trung Quốc cổ xưa... Cũng như họ, người lính Việt cũng suốt ngày trên lưng ngựa, lấy cái sự chinh chiến "suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi", lấy sự chém giết "máu hòa lệ, mực" như một niềm vui, và suốt ngày "trên lưng ngựa, múa gươm và ca hát"... Người lính Việt chỉ qua vài câu thơ khiến người đọc thấy quá ư hiếu chiến !?
Thiển nghĩ, câu cuối cùng nếu sửa, đổi được thì hay, sẽ hãm bớt cái sự chiến chinh, người đọc sẽ thấy sự đáng yêu của những chiến binh. Dân tộc ta vốn là dân tộc chuộng công lý, yêu hòa bình, chuyện cuốc chuyện cày tay vốn làm quen... "bất đắc dĩ" mới "quẳng bút nghiên lên đường tòng quân cứu nước", mới buộc phải lên lưng ngựa múa gươm...