PDA

View Full Version : Võ lâm tân khánh bà trà...



thieugia
09-11-2012, 09:55 AM
Trong làng võ Việt, nói đến võ lâm Tân Khánh Bà Trà thì không ai là người không biết. Nhân sắp đến ngày giỗ lần thứ 7 (ngày 27.11.2006 - 27.11.2012) cố Võ sư Từ Thiện, người đã có công truyền bá võ lâm TKBT, người đã làm cho TKBT nức tiếng gần xa không chỉ trên võ đàn trong nước mà còn vang danh trên võ đàn quốc tế. Xin trân trọng giới thiệu đôi nét về võ phái, về người đã có công truyền bá, đem võ lâm Tân Khánh dâng hiến cho đời

http://thaicucthieugia.com/images/stories/tns/Vo_lan_TK/logo.jpg

Logo của Võ lâm Tân Khánh Bà Trà

http://vothuat.co/wp-content/uploads/2011/02/ho-van-lanh-1.jpg

Cố Võ sư Từ Thiện_Hồ Văn Lành (1914 - 27/11/2005)


Ông tên thật là Hồ Văn Lành, sinh năm 1914 (Giáp Dần) tại làng Tân Khánh (nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) chiếc nôi của xứ võ Tân Khánh Bà Trà lừng danh khắp Nam Bộ với những chiến công “đả hổ” của các bậc tiền bối như: Hai Ất, Ba Giá, Năm Vuông… Nhưng từ thế kỷ qua, giới võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Tp. HCM quen gọi là võ sư Từ Thiện.

Xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, ngay từ thuở thiếu thời, ông Hồ Văn Lành đã sớm đi làm thuê trong các lò gốm tại quê nhà để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, do truyền thống hào hùng của xứ võ Tân Khánh Bà Trà, nhất là uy danh của võ sư tiền bối Võ Văn Ất (Hai Ất), qua thành tích nhiều phen đả hổ, đã thôi thúc Hồ Văn Lành đến với lớp võ Tân Khánh Bà Trà, lúc đó ông mới 14 tuổi và lớp học do người dượng thứ sáu là võ sư Võ Văn Phiên (đệ tử đời thứ hai của Hai Ất ) phụ trách. Vì là cháu cho nên võ sư Võ Văn Phiên đã giảm học phí tập võ còn phân nửa so với mọi người, nhưng ngày nay, mỗi lần nhắc lại, lão võ sư Từ Thiện cho biết rằng số tiền đóng học phí này bằng cả nguyên một tháng lương đi làm thuê ở lò gốm lúc đó của ông!


Chẳng bao lâu, võ sĩ Văn Lành đã nức danh với những pha nhập nội thần tốc, làm nhiều bạn đồng môn nể phục. Từ 20 tuổi trở đi, ông tham gia đoàn võ sĩ xứ Tân Khánh, do cai tổng Thêm làm trưởng đoàn, tham dự võ đài dành cho các võ sĩ khắp miền Đông Nam Bộ. Qua 7 lần thi đấu đều thắng lợi, võ sĩ Văn Lành đã mang vinh quang về cho xứ võ Tân Khánh, đồng thời tạo cho bản thân một bản lĩnh võ công đáng kính nể qua đôi tay biến hóa khôn lường cũng như ngọn đá ngang dũng mãnh.

Năm 1939, võ sĩ Văn Lành mở lớp dạy Tân Khánh Bà Trà, thu hút khá nhiều thanh thiếu niên tại xã nhà và các xã lân cận vào tập luyện. Cũng trong thời gian này, ông học thêm Thiếu Lâm Bạch Hạc, Thiếu Lâm Vịnh Xuân và khoa trật đả với võ sư Huỳnh Bá Phước. Sau đó ông hoàn thiện giáo trình và giáo án dạy võ, từ đó cũng giúp cho môn Tân Khánh Bà Trà mang tính thực tế và hấp dẫn hơn. Nhắc lại chuyện học thêm võ thiếu lâm, võ sư Từ Thiện cho biết phải xin đến lần thứ ba mới được nhận lời, bởi lúc đó ông, đã là thầy dạy võ Tân Khánh Bà Trà, khá có tiếng rồi! Hai lần đầu xin học, thầy Huỳnh Bá Phước đều từ chối “thầy Út bỏ qua cho. Nghề võ của tôi không đầy lá mít, đâu dám múa rìu qua mắt thợ!”. Nhưng với quyết tâm học hỏi tinh hoa võ thuật Trung Quốc từ người bản xứ, nhất là võ sư này từng trừng trị mấy tên bất lương ở chợ Tân Khánh mà ông may mắn được chứng kiến, nên Văn Lành vẫn kiên tâm đến xin nhập môn, dù biết rằng môn đệ của Huỳnh Bá Phước đã mai phục tứ phía, sẵn sàng ra tay nếu ông thử nghề sư phụ họ Huỳnh!

Mang chuông đi đánh xứ người

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, võ sư Từ Thiện đã tham gia huấn luyện võ thuật cho “Thanh niên tiền phong” tại quê nhà. Năm 1954, võ sư Từ Thiện được mời truyền dạy môn võ lừng danh của vùng đất đả hổ cho người dân Sài Gòn.

Đầu tiên, võ sư dạy ở vùng Khánh Hội Q4. Năm 1959, ông mới lên dạy võ hẳn ở vùng Cầu Muối Q1 và gia nhập Tổng cuộc quyền thuật miền Nam Việt Nam. Trong những năm đầu tiên đến Sài Gòn, với tinh thần cầu tiến, võ sư lại học hỏi thêm Quyền anh với bằng hữu như Lư Hòa Phát, Denis Minh, Kid Dempsey. Đến năm 1969, ông tham gia sáng lập “Tổng hội võ học miền Nam Việt Nam” nhằm góp phần khôi phục truyền thống hào hùng của võ thuật dân tộc. Các bài quyền và binh khí đang phổ biến hiện nay trong làng võ cổ truyền như: Đồng Nhi Quyền, Tấn Nhất Côn, Tứ Linh Đao đều xuất phát từ phái Tân Khánh Bà Trà.

Thoạt tiên, khi hoạt động võ thuật ở Sài Gòn, ông lấy biệt hiệu là Từ Thiện với mục đích hướng thiện cho mọi người bằng con đường võ thuật, nhất là thanh thiếu niên ở vùng Cầu Muối vốn nổi tiếng du đãng từ lâu. Về tên gọi lớp võ, ông định đặt tên “Võ đường Tân Khánh” nhưng sau lại thôi, vì sợ làm không xứng đáng cho danh dự của xứ võ quê mình. Cuối cùng, ông chọn biệt hiệu của mình làm tên lớp võ. Cho đến trước năm 1975, võ đường Từ Thiện đã cung cấp cho làng võ các tỉnh phía Nam khoảng 500 võ sĩ. Những võ sĩ nam mang họ Từ và những võ sĩ nữ mang họ Hồ đã sử dụng kỹ thuật Tân Khánh Bà Trà để góp phần tô điểm vinh quang cho xứ võ nổi tiếng của sư phụ. Trong số này, có nhiều võ sĩ đạt thành tích cao trên các võ đài trong và ngoài nước như: Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín, Từ Y Văn từng thắng các nhà vô địch Lào, Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông,… Hồi đầu thập niên 1970: Từ Thanh Nghĩa và Hồ Ngọc Thọ đoạt huy chương vàng năm 1970 và 1974, Từ Thanh Tòng, Từ Y Tuấn, Từ Hoàng Út, Hồ Thanh Phượng đoạt huy chương bạc các năm 1969, 1970, 1974 và Từ Hoàng Minh đoạt huy chương đồng năm 1974. Các võ sĩ chưa nếm thất bại liên tục trên 10 trận thi đấu võ đài có thể kể đến: Từ Hùng (từng là phó giám đốc sở TDTT Tây Ninh), Hồ Hoàng Thủy, Từ Dũng, Hồ Hoàng Thạnh, Từ Bạch Long, Hồ Tố Nguyệt,…

Võ đạo song hành với võ thuật

Võ sư Từ Thiện điềm đạm và ít nói. Trong quá trình hoạt động võ thuật, hai đức tính này đã giúp ông đạt được nhiều thắng lợi. Theo ông, sự điềm đạm ít nói là hệ quả tất yếu của sự rèn luyện võ thuật đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, ông cũng hiền từ như tên gọi của ông. Nhiều năm cư ngụ tại vùng Cầu Muối, ông không làm phiền bất cứ người láng giềng nào. Nhưng cũng không một tay anh chị nào dám xúc phạm tới ông, bởi bất cứ ai cư ngụ ở đây đều chứng kiến, hay ít nhất là nghe nói đến chuyện ông thầy võ dùng tay không trừng trị những tên cướp giật có vũ khí!. Tuy nhiên hiền từ không có nghĩa là khiếp nhược, bản tính của người Nam Bộ nói chung và dân làng võ nói riêng phải trọng nghĩa, khinh tài, và giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha! Võ sư Từ Thiện vẫn thường khuyên học trò như vậy.

Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, võ sư Từ Thiện còn nhắc nhở môn đệ về võ đạo. Bài học đầu tiên của ông đối với học trò là tinh thần uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ ơn những bậc tiền bối có công khai sáng và tô bồi cho võ thuật, thể hiện qua nghi thức cúng tổ, quan hệ thầy trò trong võ thuật. Sau đó là lời giảng về cách ứng xử của người võ sinh với đồng môn và mọi người như: không khoe khoang, tự mãn, xem các phái võ như đại gia đình, chỉ dùng võ để tự vệ và giúp đỡ kẻ thế cô…


http://thaicucthieugia.com/images/stories/picTeacher/39.jpg

Võ sư Thiều Ngọc Sơn tại buổi mừng thọ thầy Từ Thiện tròn 82 tuổi được tổ chức tại NVH Thanh niên (năm 1996).

Thật là thiếu sót khi nói đến võ sư Từ Thiện mà không nhắc đến vợ, bà Nguyễn Thị Năm, một trong những người phụ nữ giỏi võ của xứ võ Tân Khánh Bà Trà. Chính bà đã từng thay chồng dẫn dắt nhiều đoàn võ sĩ tham dự võ đài khắp miền Nam Bộ, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Giới võ thuật thường hay gọi bà là “nữ tướng Tân Khánh”. Hai ông bà có ba người con trai, tất cả được cha truyền dạy võ thuật ngay từ thuở thiếu thời: tuy nhiên, chỉ có người con út là Hồ Văn Tường nối nghiệp cha và đang huấn luyện võ thuật tại nhà văn hóa thanh niên Tp. HCM từ năm 1981 đến nay.

Với đóng góp tích cực cho làng võ miền Nam, võ sư Từ Thiện đã được tặng nhiều bằng khen, danh dự, giấy khen và Uỷ ban TDTT trao tặng huy chương Vì sự nghiệp TDTT.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/picTeacher/47.jpg

Vs: Thiều Ngọc sơn (bên cạnh là thầy, Võ sư: Phan Văn Chung) chụp hình cùng các môn đồ Tinh võ đạo VN trong đám tang thầy Từ Thiện tháng 11.2005.

VŨ TRƯỜNG-THIỆN TÂM-HỒ TƯỜNG

huyen_vu
09-11-2012, 10:09 AM
Gần 20/11 Thiều Gia đang nhớ về những kỷ niệm xưa thì phải

thieugia
10-11-2012, 04:02 PM
thày hồi ý cũng "Tuổi ba mươi mà nghỡ như trẻ thơ..." đấy chứ ;).

CafeBMT
10-11-2012, 07:59 PM
thày hồi ý cũng "Tuổi ba mươi mà nghỡ như trẻ thơ..." đấy chứ ;).
Thời gian thì cứ trôi mà tuổi của thầy đâu có theo quy luật đó. Bây chừ mà xem các comment của thầy chắc ai cũng nghĩ thầy mới tầm đôi mươi thoy ^^!!!.