PDA

View Full Version : Đầu Xuân Bàn Về Chữ “TÍN”



ngochai
22-02-2013, 11:45 AM
Xuân phơi phới trong nắng vàng ấm áp, đẹp mê hồn như nàng thiếu nữ khoác lên mình chiếc áo mỏng manh của đất trời quê hương. Tâm hồn chúng ta dường như lắng đọng và sững sờ trước vẻ đẹp của nàng Xuân.


https://lh5.googleusercontent.com/-sjkfiYG0LFA/URRyE0uzY9I/AAAAAAAAALU/nQodJ1YDwjI/s732/IMG_0094.JPG

Đầu xuân, theo thông lệ, Ngọc Hải qua nhà Thiều Lão Gia chúc Tết. Trong căn phòng ấm áp và giản dị, điểm xuyết bởi cây Mai Vàng được trang trí tinh tế nhưng không kém phần thanh nhã, Thiều Lão Gia cười đôn hậu khoe ngay: “Nàng Mai này đích thân Thiều Phu Nhân lựa chọn và tậu về đấy, Ngọc Hải thấy có đẹp không?”

Ngắm cây mai vàng chia thành hai tầng, tầng dưới có 5 nhánh, tầng trên có 3 nhánh, tổng cộng có “bát” nhánh. Một số nụ đã nở hoa, còn lại đều đang “chúm chím cười duyên”. Ngọc Hải láu lỉnh trả lời: Dạ, Nàng Mai quả thật là đẹp, không những thế, mà còn đẹp “bá phát” nữa đó.

Nghe vậy, Thiều Lão Gia hóm hỉnh chỉ bình Nước Suối Lavie 7,5 lít (thực ra là bình Rượu Đế) nói: Hôm nay là một ngày xuân bình thường, chúng ta cùng nhau uống một loại nước bình thường, trong một cái bình “bình thường” và cùng ngắm mấy hoa một cách… bình thường nhé?

Thật đúng là “bá phát” mà…

Lavie được vài tuần, Ngọc Hải hỏi Thiều Lão Gia: Theo quan điểm của Thiều Lão Gia, đối với người học võ, những yếu tố quan trọng nào cần phải lưu ý?

Thiều Lão Gia trầm ngâm trả lời: chả cứ gì người luyện võ thuật, trong cuộc sống thường nhật nói chung ai cũng vậy, muốn tồn tại, muốn phát triển đều phải lấy chữ Tâm, chữ Tín, chữ Hằng làm trọng. Đối với người luyện võ thì ba yếu tố trên (Tâm – Tín – Hằng) lại càng phải hết sức chú ý và thường xuyên trui rèn.

Người học võ, trước tiên cần phải có Tâm, “tâm” ở đây là “tâm” với võ, tức phải yêu võ, quí võ, hiểu và trân trọng những giá trị của võ thuật đối với con người và cuộc sống. Không những phải có “tâm” với võ thuật, người võ sinh còn phải “thành tâm” với thầy, với huynh đệ đồng môn tức phải tôn kính thầy, yêu quí bạn bè….

Chữ Tín, tức là đức tin, lòng tin của người võ sinh, là sự tín nhiệm. Tin ở đây là tin vào võ thuật, tin vào võ phái mà mình đã chọn học; tin vào người Thầy, tin vào khả năng của các HLV.

Cuối cùng là chữ Hằng, Hằng ở đây có nghĩa là vĩnh hằng, là trường tồn, là bất biến… ý nói khi đã chọn võ thuật, đến với võ thuật thì ngoài thành tâm, đức tín người luyện võ còn phải có lòng kiên trì, sự bền bỉ và không dao động trước khó khăn, không thối chí dẫn đến bỏ ngang con đường mà mình đã chọn.

Tâm – Tín – Hằng là ba yếu tố cực kỳ quan trọng, giữ vai trò quyết định đến sự thành bại của mỗi cá nhân trong đời sống đời thường. Đối với người luyện võ, việc coi trọng và thường xuyên trau dồi, rèn luyện ba yếu tố Tâm – Tín – Hằng không những giúp hoàn thiện nhân cách người của võ sinh mà còn tạo tiền đề cho những thành công sau này. Những người “dĩ võ chi đạo” mà thiếu một trong ba yếu tố đó thì không những “bất thành công” mà còn “bất thành nhân” nữa đấy....


https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcREved9CS2BdO1UnEFbh6lnFyz4YEahs axk5PYgRXexOcAR-VB67Q

Ngoài sân, nàng Xuân vẫn hồn nhiên khoe sắc cùng đất trời phương Nam nồng ấm.

Cứ thế, Thiều Lão Gia miên man đàm luận… giật mình ngó lại, trời đã tối từ lâu, bình Lavie cũng chỉ còn hơn một nửa. Ngọc Hải xin phép ra về và hẹn một dịp khác sẽ qua thăm Thiều Lão Gia.

Tối về, trằn trọc không ngủ, Tâm-Tín-Hằng vẫn luôn văng vẳng đâu đây, giản dị nhưng cũng thật sâu sắc và đầy tính triết lý nhân sinh…

Nay, chúng ta thử đi sâu đàm luận về chữ Tín, một trong "Ngũ Thường" mà cổ nhân vẫn dạy.

Cổ nhân xưa đã lấy phương châm “thành tín” giúp người lập thân xử thế làm căn bản. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã nhấn mạnh tác dụng của Trung Tín. Ví như, “ này các đệ tử, nhập thì Hiếu, xuất thì thuận, cẩn trọng lời nói. Quân tử cốt yếu ở Trung Tín.” ; “người mà không có chữ tín chẳng đáng vậy.”; “làm con giữ bốn điều Hiếu: Văn, Hành , Trung, Tín…”

Trung Tín, dưới góc độ Dân Tộc, có tác động giữ gìn Đạo Đức rất lớn. Lấy thành tín giúp người lập thân xử lý làm gốc, chẳng phải phép tắc do thánh nhân đặt ra, mà là nhu cầu thực tế của sinh hoạt. Chúng ta rất khó tưởng tượng được, nếu như người với người chỉ toàn đối với nhau những điều dối trá mà chẳng có chút thành tín nào, xã hội sẽ biến thành cái gì? Thành thực với người khác, thực tế cũng là thành thực với chính mình. Bởi vì, nếu tín với người thì người cũng dùng thành tín đối đáp lại.

Lời nói của người ta cũng là cái cánh bay, phát ra thế nào thì quay lại thế ấy. Thành tín và nhiệt tình khiến người ta có sức kiểm nghiệm lớn, điều mà dối trá không thể đạt được. Thành tín có thể rút ngắn cự ly giữa người với người, xúc tiến hài hòa và đoàn kết mọi người. Lấy chân thành đãi người là cách giao tiếp tốt nhất.

Chữ Tín trong đời thường, thực hành sao đây?

1. Người đã lấy thành tín làm gốc, cần cân nhắc thận trọng. Trước hết phải lấy động cơ thuần chính làm điều kiện tiên quyết và cần phù hợp với mục đích chính đáng, bền giữ chính đạo. Lại nữa, thành tín không phải là mù quáng mà cần có nguyên tắc nhất định. Một khi đã xây dựng sự thành tín thì cần vĩnh viễn bất biến. Thành tín như vậy mới là chân chính và được khảo nghiệm qua thời gian.

2. Thành tín cần xuất phát từ nội tâm mới dẫn đến cảm ứng và cộng hưởng tâm linh. Khổng tử nói: “Quân tử ở nhà, lời nói phát ra, thiện thì ứng ngoài ngàn dặm, huống chi ở gần? Lời không thiện thì phản lại từ ngoài nghìn dặm, kể chi ở gần? Lời nói với dân, nói ở gần, thấy ở xa. Lời nói của kẻ quân tử động đến cả thiên địa vậy, há chẳng cẩn thận ư?”

3. Thành tín cần tránh do dự bất định. Thành tín kiến lập trên cơ sở đạo đức sẽ không có giao động. Thành tín xây dựng lên cơ sở lợi hại thì sẽ tùy thời mà biến đổi. Hành vi tuyên thệ phản phúc của các chư hầu thời cổ của Trung Hoa thường kiến lập trên cơ sở lợi hại, bội tín phản nghĩa, hữu tín bất tuân… thường thường diễn ra. Do đó, thành tín như thế căn bản không có chỗ dựa.

4. Thành tín cần chọn lựa đối tượng thích hợp. Thế gian, “người ba đấng, của ba loài”, có một số người có thể tin tưởng lẫn nhau, có một số khác thì không. Cái gốc của nguyên tắc thành tín đối xử với người khác, chẳng phải ở người ta vào hùa với mình.

5. Thành tín làm cho người ta tương đắc rõ rệt. Bởi thành tín làm cho người ta có thêm bằng hữu, có thể phát triển sự nghiệp, sáng tạo và nắm bắt hoàn cảnh tốt. Một khi có nguy nan, cũng sẽ kịp thời ủng hộ và giúp đỡ.

6. Thành tín cần phải đúng mực. Không phải đã có thành tín là có tất cả. Thành tín là nguyên tắc xử thế, ai nấy cần tuân thủ, song không phải chỉ có thành tín là mọi việc đều thành. Thành tín quá độ có thể dẫn đến xấu hổ - hay những tình huống khó xử. Ngược lại, những kẻ bán bạn cầu vinh, vứt bỏ tín nghĩa của những kẻ tiểu nhân… xưa nay không hiếm. Bởi thế, nguyên tắc xử thế lấy gốc ở thành tín, nhưng không phải là thành tín suông mà thoát ly thực tế cuộc sống.

Ngọc Hải

(Ghi, tổng hợp)

TP. HCM - Xuân Quý Tỵ