PDA

View Full Version : Bảo tàng ư, để làm gì?



ngochai
26-02-2013, 11:11 AM
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa. Do vậy, bảo tàng là thước đo đẳng cấp văn hóa của một quốc gia, một thành phố. Ở Việt Nam thì sao?

Không phải ngẫu nhiên, bảo tàng luôn được trình bày nổi bật trong bản đồ giao thông, du lịch của hầu hết các đô thị lớn trên thế giới. Thậm chí, đó là một điểm đến không thể thiếu với mỗi tour dành cho du khách nước ngoài.

Bảo tàng (Mouseion) là biểu thị một địa điểm hoặc một ngôi đền dành riêng cho Muses ngự. Theo thần thoại Hy Lạp, Muses là các vị thần bảo trợ cho nghệ thuật. Vào buổi đầu, theo nhà văn Pausanias (115 - 180), chỉ có ba vị Muses là Aoide (lời ca, giọng hát), Melete (sự tập trung tư tưởng) và Mneme (trí nhớ). Ba nữ thủy thần này tượng trưng cho ba điều cần thiết trong nghệ thuật thơ và trong việc thực hành tôn giáo cổ Hy Lạp. Còn ở thành Delphi, người ta thờ ba vị nữ thần Muses là Nētē, Mesē và Hypatē cũng là tên ba sợi dây đàn lyre. Ngày nay, truyền thuyết thông dụng nhất về các Muses thuộc về triết gia Plato (427 - 348 TCN), trong tác phẩm Ion, có cả thảy 9 vị Muse. Plato tuy sống trước Pausanias 5 thế - kỷ, nhưng truyền thuyết ông nhắc đến có sau thuyết của Pausanias.


http://dddn.vcmedia.vn/LF6tz33VxjHf1M3q2wAGVkArG1Pd/Image/2013/01/baotangu92a1-541a3.gif


Trong số họ, người chị cả Calliope "có giọng du dương" ngày nay được coi là nữ thần bảo trợ cho thiên anh hùng ca (sử thi); Clio "người ca tụng" bảo trợ cho sử học; Terpsichorê, "người vũ nữ khêu gợi" bảo trợ múa và khiêu vũ… Tóm lại, các nữ thần chăm lo việc học tập và nghệ thuật, từ lịch sử, thi ca… cho tới điêu khắc, kiến trúc.

Cũng vì thế, trong số rất nhiều định nghĩa về bảo tàng, định nghĩa của Hội Bảo tàng Mỹ được nhiều người cho là đầy đủ nhất: Bảo tàng là một thiết chế được thành lập hoạt động lâu dài, phi vụ lợi, không chỉ tồn tại vì mục tiêu tiến hành các trưng bày nhất thời. Bảo tàng được miễn thuế thu nhập quốc gia, mở cửa phục vụ công chúng và hoạt động theo hướng quan tâm của công chúng, vì mục đích bảo quản và giữ gìn, nghiên cứu, thu thập, trưng bày và giới thiệu tới công chúng các hiện vật, mẫu vật có giá trị văn hóa và giáo dục, kể cả những hiện vật về nghệ thuật và khoa học (cả những hiện vật sống và vô tri), tư liệu lịch sử và kỹ thuật. Do vậy, các bảo tàng còn bao gồm cả các vườn thực vật, các vườn thú, bể cá, đài thiên văn, cung điện, di tích lịch sử và các di chỉ mà đáp ứng nhu cầu nêu ra ở trên.

Với tư cách là nơi trưng bày và lưu trữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc hay một giai đoạn lịch sử nào đó nhằm mục đích giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ, thì nhiều người còn định nghĩa một cách đơn giản, nhưng đầy ý nghĩa: "Bảo tàng là nơi lưu giữ ký ức".

Những bảo tàng sớm nhất được hình thành từ các bộ sưu tập, nhất là sưu tập nghệ thuật tư nhân của các gia đình giàu có, quý tộc. Bảo tàng công cộng đầu tiên mở cửa cho người dân vào xem là Bảo tàng Capitoline, vào năm 1471 khi Giáo hoàng Sixtus IV tặng một nhóm các tác phẩm điêu khắc cổ đại quan trọng cho người dân Rome. Tiếp đó là Viện Bảo tàng Vatican, năm 1506. Bảo tàng lâu đời nhất ở Vương quốc Anh là Bảo tàng vũ khí Hoàng gia, mở cửa cho công chúng vào năm 1660… Gọi là công cộng, nhưng các bảo tàng cũng chỉ mở cửa cho giới trung lưu và thượng lưu. Tại London, thậm chí tới năm 1800, du khách của Bảo tàng Anh phải chờ hai tuần cho một vé vào cửa và cũng chỉ giới hạn trong hai giờ. Vào thời Victoria, các bảo tàng chỉ mở cửa vào buổi chiều Chủ nhật. Bảo tàng có lượng khách tham quan đông nhất ngày nay là Louvre (Paris, Pháp) cũng chỉ mở cửa cho công chúng từ năm 1793, sau cuộc Cách mạng Tư sản. Cuộc cách mạng tư sản châu Âu với tư tưởng dân chủ đã tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc học tập, hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật. Các bảo tàng lừng danh nhất thường thiên về mỹ thuật vì các tác phẩm của điêu khắc, hội họa thường là độc bản.


http://dddn.vcmedia.vn/LF6tz33VxjHf1M3q2wAGVkArG1Pd/Image/2013/01/baotangu92a2-541a3.gif

Xã hội càng văn minh thì thư viện và bảo tàng càng ý nghĩa. Và trong xã hội văn minh, những giá trị vô hình luôn được đề cao và coi trọng hơn những giá trị vật chất hữu hình. Đó cũng là lý do vì sao ở nhiều nước, các tỉ phú thường chọn cách hiến tặng cho xã hội bằng việc xây dựng thư viện, bảo tàng hoặc trường học. Đó cũng là lý do vì sao các sự kiện, các buổi chiêu đãi thường được đánh giá cao khi tổ chức ở các bảo tàng. Nhiều người đã ví, đến New York mà không đến Metropolitan Museum of Art là chưa đến nước Mỹ; đến Paris mà không ghé Louvre là chưa đến Pháp… cũng như chưa đến Prado (Madrid) là chưa đến Tây Ban Nha. Chỉ trong vòng 20 năm trở lại đây, số lượng các bảo tàng trên thế giới đã tăng gấp đôi, từ 30.000 lên đến 60.000 bảo tàng.

Chưa tính đến độ giàu có về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các tư liệu, mới xét ở khía cạnh diện tích và sự tráng lệ, những Louvre, Prado, Metropolitan Museum of Art xứng đáng là nơi ngự của các Muses. Xâm lược Việt Nam, nhưng người Pháp cũng đã lập ra Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO) từ ngày 20/1/1900. Đây được xem là bảo tàng đầu tiên của nước ta. EFEO cũng đã xây dựng một thư viện và một viện bảo tàng, ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Từ nền móng này, ngày nay Việt Nam có khoa bảo tàng ở bậc đại học, các hệ thống bảo tàng cho các lĩnh vực, các ngành, các cấp, xuống đến các địa phương. Mặc dù vậy, ngoài giá trị về kiến trúc, chưa một bảo tàng nào của Việt Nam có quy mô xứng đáng là một biểu tượng, nhưng tại sao người Việt vẫn thờ ơ với việc xây dựng cho được một công trình kỳ vĩ như thế? Ngay năm 2012 mới qua đây thôi, nhiều người còn phản đối kịch liệt dự án đầu tư 11.000 tỷ đồng xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Phải chăng những lý do về thất thoát như Vinashin khiến người ta e ngại, những lý do về khủng hoảng kinh tế khiến người ta nghĩ đến miếng ăn trước khi nghĩ về các giá trị về tinh thần? Thực tế không phải thế! Và vẫn phải trở lại với câu hỏi: Xây bảo tàng để làm gì? Nhan nhản các bảo tàng ở Hà Nội vẫn chưa đủ hiu quạnh hay sao? So sánh với 8,5 triệu lượt khách/năm của Louve, thì con số 200.000 người/năm (kỷ lục) của Bảo tàng Dân tộc học quả là đáng tủi. Và còn đáng tủi hơn, khi đem so với Bảo tàng Hà Nội xây dựng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long chi phí 2.000 tỷ đồng giờ chỉ làm đúng hai chức năng: Tổ chức đám cưới trong nhà và trưng bày cây cảnh ngoài sân. Mà cũng đúng thôi, người ta không biết xem cái gì ngoài việc ngửa cổ nhìn mái vòm tráng lệ của ngôi nhà 2.000 tỷ đồng ấy. Chúng ta hì hục xây một bảo tàng mà không tính đến cái ruột của nó, chạy theo dự án xây dựng nhà gọi là bảo tàng mà không biết nó sẽ chứa những gì ở bên trong, mà dù có thì những hiện vật cũng được trưng bày như bày hàng xén.


http://dddn.vcmedia.vn/LF6tz33VxjHf1M3q2wAGVkArG1Pd/Image/2013/01/baotangu92a3-541a3.gif

Lẽ ra phải là các lâu đài văn hóa ở trung tâm thì bảo tàng ở Việt Nam
còn là một thứ lãng phí nằm ngoài rìa đời sống xã hội

Với cái bảo tàng 11.000 tỷ đồng trong tương lai, câu hỏi sẽ bày gì trong ngôi nhà khổng lồ ấy càng canh cánh hơn khi hai bảo tàng góp hiện vật là Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng vẫn duy trì như hiện nay?

Nhà phê bình Nguyễn Bỉnh Quân nhận xét: "Các bảo tàng ở Việt Nam quá thấp về đẳng cấp, tiêu điều về nghiên cứu giáo dục và uể oải về hoạt động. Lẽ ra phải là các lâu đài văn hóa ở trung tâm thì bảo tàng ở Việt Nam còn là một thứ xa xỉ - xập xệ nằm ngoài rìa đời sống xã hội". Tính khoa học và nguyên bản độc đáo của việc sưu tầm hiện vật là xương sống của bảo tàng. Nhưng ở đó vắng bóng nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh cũng không làm việc ở đây, thay vào đó chỉ có các "ông từ giữ đền".

Và người ta cũng chán khi thay vì đến để chiêm ngưỡng, tìm tòi các tác phẩm, di vật độc bản chỉ nhìn thấy những bản chép nhan nhản có thể thấy ở nhiều nơi khác nhau.
Bảo tàng hiện đại vẫn là một ngôi đền của các Muses, nhưng mặt khác nó vẫn cần là một địa điểm công cộng hấp dẫn. Hoạt động của bảo tàng đa dạng từ học tập, nghiên cứu cho tới hội thảo, du lịch, giải trí, lễ hội, thậm chí là tiệc tùng. Bảo tàng, nên chuyển từ chức năng tuyên truyền giáo dục chung chung sang văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Nếu soi vào những tiêu chí như vậy, dường như các bảo tàng của Việt Nam còn xa lắm mới có thể đạt đến. Và câu hỏi "Bảo tàng ư - để làm gì?" - vẫn có lý!

Thái An

tranhason1705
27-02-2013, 10:12 AM
Để em cho vài "cái ruột " nè :
-Đường sắt cao tốc Bắc Nam
-Mấy con tàu "siêu trọng" Vinasin,Vinaline
hehehe,chì cần hai thứ này thôi thì cái bảo tàng 11000 tỉ ko đủ chỗ chứa đâu

taothao
27-02-2013, 10:38 AM
Để em cho vài "cái ruột " nè :
-Đường sắt cao tốc Bắc Nam
-Mấy con tàu "siêu trọng" Vinasin,Vinaline
hehehe,chì cần hai thứ này thôi thì cái bảo tàng 11000 tỉ ko đủ chỗ chứa đâu

Có lý, có lý. Thế mà mấy Ổng đề xuất làm Bảo tàng không nghĩ ra nhỉ. :cool: