PDA

View Full Version : Một số tập tục kỳ lạ của đồng bào các dân tộc...



Shaolaojia
22-06-2013, 04:46 PM
Tôn chuột làm thần nhưng lại xơi... "thịt chuột" !


http://www.dietchuot.net.vn/images/stories/dichvu/diet-chuot.jpg
"Lão thử", lệnh tôn thần của người Dao Tiền ở bản Bương

Những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình coi chuột như một vị thần cứu mạng.

Từ ngày mới khai sơn lập địa, cuộc sống nghèo khổ, không có đồ ăn thức uống, dân làng phải rủ nhau đi săn chuột để sống qua ngày. Chính vì vậy, họ đã lập hẳn một ngôi miếu để thờ thần chuột.

Cả bản sống nhờ…chuột

Vốn được nghe kể về chuyện những người Dao Tiền có một ngôi miếu thờ thần chuột, tôi rất hiếu kỳ, không hiểu vì sao những người dân nơi đây lại có phong tục kỳ lạ đến vậy. Tôi đã tìm đến bản Bương thuộc xã Tân Pheo để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này.

Từ trung tâm huyện Đà Bắc phải đi gần 60 cây số mới đến bản Bương, nơi cư ngụ của người Dao Tiền ở Hòa Bình. Bản nằm biệt lập ở một bên của sườn núi, đường đi vào bản Bương rất dốc và khó đi, đầy rẫy những tảng đá to người ôm không xuể.


http://media.tinmoi.vn//2013/02/12/140_6_1360616783_16_chuot2jpg1341488281.jpg
Một góc miếu thờ thần chuột của người Dao

Giữa đường còn có nhiều dòng suối nhỏ cắt ngang đường mà theo những người dân ở đây cho biết, hiện đang là mùa cạn nên còn đi qua được chứ đến mùa lũ thì dòng suối bỗng hóa thành cả một con sông lớn chảy xiết khiến chẳng ai dám liều lĩnh để lội qua.

Qua sự hỏi thăm, tôi được người dân chỉ tới nhà ông Bùi Đình Nghệ năm nay đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông là người am hiểu về lịch sử của bản Bương cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây.

Ông Nghệ cho biết, tục thờ thần chuột ở bản Bương đã có từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết xưa kia tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm. Do chưa có đủ lương thực cho mọi người nên nhiều người đã phải bỏ mạng.

Cuộc sống tưởng chừng như đã đến lúc cùng quẫn thì bỗng một ngày kia những người dân bản Bương phát hiện ra ở khu rừng quanh bản chuột nhiều vô số kể. Chính vì vậy, họ đã nảy sinh ra việc bắt chuột làm thức ăn chống lại cái đói, cái rét để duy trì sự sống.

Hằng ngày, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà làm rẫy để chờ mùa thu hoạch, còn các thanh niên trai tráng người dùng bẫy, người dùng nỏ cùng nhau đi săn chuột để làm thức ăn vượt qua cơn hoạn nạn.

Ông Nghệ cho biết: "Giống chuột rừng ở bản Bương rất đặc biệt, hầu hết đều có trọng lượng to gấp đôi thậm chí gấp 3 lần chuột bình thường và chẳng hề mắc dịch bệnh gì cả. Làm thức ăn cũng ngon miệng và bổ dưỡng chẳng kém gì các loại thịt thú rừng khác".

Chuột rừng sau khi bị các thợ săn bắt được đem về, dùng nước sôi làm sạch lông, đốt rơm thui vàng rồi mổ bụng, moi lòng và treo nơi gác bếp cho thịt khô lại rồi chế biến thành món ăn dùng dần, có nhà còn treo thịt gác bếp suốt cả một mùa đông giống như món thịt trâu gác bếp của các dân tộc người vùng cao vậy.

Đến bữa có khách, chủ nhà chỉ cần gỡ xuống, thái miếng, rắc muối, ướp gừng cho thịt ngấm gia vị rồi băm nhỏ. Gạo nếp nương nấu sôi lên, cho thịt chuột vào, khuấy đều cho đến khi sánh lại thì bắc xuống, bỏ hành lá và rắc bột ngọt vừa phải.

Đặc biệt những khi vào thời điểm giáp hạt vào mùa khô (thời điểm cuối năm), trong khi đợi lúa chín, khan hiếm lương thực, dân bản phải vào rừng để săn thú sống qua ngày, dần dần thú rừng cạn kiệt, ở bản Bương chỉ còn loài chuột là nhiều và dễ bắt. Thế nên, thịt chuột càng trở thành “lộc trời” đối với người Dao Tiền.

Sau này, khi đời sống đã phát triển, nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn đã đầy đủ, người dân không còn phải ăn thịt chuột để sống nữa, nhưng để tỏ lòng thành kính trước sự “hi sinh” của con chuột để mọi người được sống sót, người ở bản Bương đã tôn con chuột thành “thần” và tổ chức tế lễ thờ cúng thần chuột. Nghi lễ này cũng nhằm tưởng nhớ đến tổ tiên khai bản lập làng. Sau này người dân cúng các “ma làng, ma sông, ma suối”, cũng dùng thịt chuột để tế lễ.

Hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán. Trong Lễ cầu mùa và Lễ ăn cơm mới, người Dao vẫn thường dùng gà, lợn để tế lễ nhưng với Tết Nguyên đán thì ngoài gà, lợn, không thể thiếu món thịt chuột. Nhà nào không đi bắt được chuột rừng để về làm lễ thì phải đi mua không thì năm đó sẽ không được tổ tiên phù hộ, làm ăn thất bát.

Vào đêm giao thừa nhà nào cũng tự cúng thần chuột nhưng cứ sang ngày mồng hai tết thì thầy mo bản phải đến miếu cúng thần chuột, tỏ lòng thành kính cầu thần một năm mới tốt lành và đừng phá phách mùa màng của dân bản, lâu dần thành lệ, thành một tín ngưỡng đặc biệt của người dân xứ này.

Đón tết bằng thịt chuột

Sau khi nghe kể về nguồn gốc của tục lệ kỳ lạ của người Dao Tiền ở bản Bương, ông Nghệ dẫn tôi đi thăm ngôi đền thờ thần chuột. Đền được xây ở tận cuối bản, nằm cách biệt với các ngôi nhà sàn của người dân nơi đây.

Trên đường đi, ông nói đùa, chắc chả ở đâu thờ thần chuột như người ở cái bản Bương này, người ta nhìn thấy chuột là xua đuổi vì sợ ăn vụng, quấy phá, rồi truyền dịch bệnh, thế nhưng ở đây những con chuột là thần thánh thiêng liêng, được thờ cúng cẩn thận. Và ở ngôi đền thờ thần chuột này cũng chưa bao giờ có một dịch bệnh nào bùng phát.

Ông Nghệ cho biết: “Miếu làng phải được làm ở chỗ cao ráo, thoáng mát, ít người qua lại, không được chặt cây cối quanh miếu, như thế các “ma làng” mới có chỗ nghỉ ngơi yên tĩnh, không bị quấy nhiễu.


http://media.tinmoi.vn//2013/02/12/140_6_1360616783_47_10thochuot2.jpg
Thịt chuột được treo trên gác bếp của mỗi người dân bản Bương

Ngày ông cha dựng miếu, do chưa có điều kiện nên ngôi miếu được dựng bằng đá lấy từ trên núi xuống xếp thành, đến thời điểm hiện tại, người dân bản Bương vừa mới chung tiền để xây thành bê tông, rộng chừng 2m2 và được lợp mái xi măng".

Vào ngày mồng 2 và mồng 4 tết hằng năm, sau khi các gia đình đã nộp đủ lễ (mỗi gia đình tối thiểu là 3 con chuột) thì mỗi hộ cử ra 1 người đàn ông trong gia đình đến miếu để tế lễ.

Trước khi thực hiện nghi lễ cũng tế, mỗi người phải tắm rửa sạch sẽ, trước khi bước vào đền phải bỏ dép ở bên ngoài cửa, sau đó đi chân đất vào, làm như vậy vừa để thể hiện sự tôn kính vừa là sự giao thoa của con người với thiên nhiên, đất trời.

Có một truyền thuyết lưu truyền ở bản Bương là, trong khi tế lễ nếu người nào bất ngờ có chuột chạy qua sát người, hoặc chạy qua chân thì đó là báo hiệu một điều tốt lành, trong năm tới ắt sẽ có tài lộc, gặp nhiều may mắn.

Còn lỡ có ai chẳng may, khi vào đền tế lễ lại giẫm nhầm chết một con chuột thì phải đi đặt mua một con rắn bằng đồng để chuộc lỗi với con chuột đã chết, nếu không tai họa sẽ giáng xuống đầu, xui xẻo cả năm.

Sau khi mọi người dân đã tế lễ xong, người chủ làng là chủ lễ sẽ cầu thần linh phù hộ cho làng xóm mạnh khoẻ, yên lành, làm ăn năm mới phát đạt hơn năm cũ. Cuối cùng thì hạ thịt chuột xuống, để cả làng cùng tập trung ăn uống vui vẻ.

Không chỉ thờ thần chuột ở ngôi miếu này, các hộ dân trong bản Bương ở mỗi nhà cũng có một ban thờ thần chuột cùng với bàn thờ ông cha, tổ tiên. Theo tục lệ thì vào đêm giao thừa, đến 12h, hai con chuột được sấy khô được các gia chủ trịnh trọng bày lên bàn thờ. Đúng thời khắc giao thừa năm cũ sang năm mới, người chủ gia đình (thường là đàn ông) sẽ cúng những người đó khuất và các ma làng, mời tất cả về cùng thưởng thức món thịt chuột trong những ngày Tết.

Theo những người dân ở đây, không có loại thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm giao thừa. Các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản “truyền thống” này của dân mình.

Có một điều kỳ lạ là chuột sinh sống xung quanh bản Bương rất ít phá phách mùa màng, hoặc chui vào làm tổ ở các gia đình để ăn vụng và gặm nhấm đồ đạc, chỉ cần đi vào các khu rừng xung quanh bản Bương là dễ dàng bắt gặp rất nhiều chuột, nhất là vào ban đêm.

Nhiều bản dân tộc lân cận vì nghe tiếng ngôi đền thờ thần chuột ở bản Bương, hàng năm cứ ngày vào lễ tết, bà con cũng rủ nhau đến đây cúng bái, rồi sau đó vào các nhà trong bản Bương chúc tết, thực hiện các cuộc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

Nhiều đoàn du lịch trong thời gian gần đây, vì biết đến tục lệ kỳ lạ này cũng đã tổ chức những tour du lịch đi vào tận bản Bương, ông Nghệ cho biết “hầu hết ai nghe kể cũng đều ngạc nhiên và đều muốn nếm thử món thị chuột gác bếp có một không ai, nhiều người còn hỏi mua để mang về làm quà lạ".

Hiện nay, dù đời sống ở bản Bương đã được cải thiện đáng kể, ít hộ đói nhưng tục lệ đi săn chuột và thờ cúng thần chuột vẫn không bị mai một.

Mặc Phong - Kinh Vân.

Thieugia sưu tầm
------------------------
** Xin xem các bài đầu tại đây: http://www.thaicucthieugia.com/index.php/tan-man/chim-troi-ca-nuoc/484-mt-s-tp-tc-k-l-ca-ng-bao-cac-dan-tc

thieugia
23-06-2013, 05:55 PM
Những phong tục "ngủ" kỳ lạ của trai gái miền sơn cước


Trên đất nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều sở hữu những phong tục, tập quán mang bản sắc riêng. Về chuyện ngủ của người dân tộc Việt Nam cũng có nhiều phong tục độc đáo, đặc sắc.

“Ngủ mèo” nên duyên chồng vợ

Ở dân tộc Chơ Ro, con trai, con gái hễ đủ 15 tuổi sẽ được phép “ngủ mèo” để tìm hiểu nhau trước khi nên vợ nên chồng.

Luật tục từ xưa đã quy định tục “ngủ mèo” rất nghiêm ngặt để đảm bảo chế độ một vợ, một chồng; nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Theo quy định, thanh niên người Chơ Ro khác dòng họ đến tuổi cập kê được tự do tìm hiểu, hẹn hò nhau.

Khi tình cảm hai phía đã đến độ đắm say và có ý muốn kết thành vợ chồng thì chàng trai chủ động hẹn, cô gái nhận lời cùng “ngủ mèo” để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau. Khi màn đêm buông xuống, chàng trai đi “ngủ mèo” tại nhà người yêu sẽ mang theo một cây đòn và một roi mây. Với người Chơ Ro, chiếc roi mây vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua các loài thú dữ.

Chàng trai đứng ở dưới sàn dùng cây đòn gõ nhẹ lên vị trí buồng nằm, đồng thời đưa roi mây qua khe báo hiệu cho cô gái. Nếu thời điểm thích hợp, cô gái sẽ nắm roi mây rung để báo cho người yêu trèo lên. Lên nhà rồi, chàng trai sẽ dùng chiếc đòn mang theo, đặt xuống sàn và đi trên chiếc đòn này. Đây là nghi thức để tránh làm các thành viên khác trong nhà thức giấc. Và dù cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng họ làm ngơ vì tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là theo ý Giàng.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2013/03/06/18/20130306182843_ngumeo.jpg
Những cô gái và chàng trai Chơ Ro (Ảnh: Dân Việt)

Trong thời gian “ngủ mèo”, chàng trai không được phép ngủ đến sáng mà phải ra về trước khi mọi người trong nhà cô gái thức giấc. Theo luật tục, người nhà cô gái chỉ chấp nhận cho chàng trai “ngủ mèo” nhiều nhất là 3 lần. Sau đêm thứ ba, anh ta phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới.

Nếu khi ấy chàng trai không xin phép để gia đình nhà mình đến bàn chuyện cưới hỏi thì nhà cô gái có quyền giữ lại rồi cử người đến nhà chàng trai đánh tiếng tế nhị rằng: “Chuồng nhà tôi hiện đang giữ một con trâu nhà ai bị lạc. Gia đình bên này thử sang xem có phải của nhà mình không?”. Lúc đó, nhà chàng trai phải hiểu vấn đề rồi nhanh chóng cắt đặt người đại diện mang rượu qua nhà cô gái để đáp lời “nhận trâu” và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau

Ngủ ngửi để quen hơi nhau

Người dân tộc Dao đeo tiền Xuân Sơn ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có một tập tục kỳ lạ là thực hiện tục “ngủ ngửi” để chọn vợ, chọn chồng. Bao đời nay, các thế hệ người Dao đeo tiền ở Xuân Sơn thành vợ, thành chồng và gắn kết với nhau, thuỷ chung, vụng dại một cách khó lý giải bắt đầu cũng từ tập tục hết sức khác người này.

Theo các cụ kể lại, người Dao đeo tiền ngày xưa thường ở nơi xa xôi, cheo leo, hẻo lánh. Thuở hồng hoang, ông trời chỉ cho trái đất này có hai người Dao, một nam và một nữ nhưng lại ở hai nơi heo hút và xa lắc và bắt họ phải tự tìm đến với nhau.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2013/03/06/18/20130306182843_ngungui.jpg
Các thiếu nữ người Dao đeo tiền, đến tuổi “ngủ ngửi” đang mong chờ tiếng cộc kệch vang lên trước cửa vào mỗi buổi tối, để khẳng định rằng mình đã lớn (Ảnh: Người đưa tin)

Hai người Dao mải miết đi tìm nhau. Tìm mãi, tìm mãi, đến khi gối mỏi, lưng còng, mái tóc xanh nhuốm sương gió bụi trần họ mới gặp nhau. Tìm được nhau rồi, mặc những quy định nghiệt ngã của trời đất, hai trái tim khô héo như được hồi sinh, họ nhanh chóng thành vợ thành chồng. Nhưng cũng vì quá say tình, họ đã quên mất cái nhã ý của ông trời là buộc họ phải làm quen hơi nhau.

Ông trời đã trừng phạt con người, biến họ thành nạn nhân sống như chết dần, gần mặt nhưng xa lòng. Khi hai cơ thể sống là vợ là chồng mà không thể hoà nhập được thật là một sự đầy ải. Vì vậy, ông bà của người Dao đeo tiền từ thuở sơ khai ấy đã buộc cháu con khắc phục lại lỗi thiếu sót của họ với lời nguyền “ngủ ngửi”.

Theo đó, trai gái người Dao đeo tiền đến tuổi cập kê phải... ngửi mùi nhau và ngủ cùng nhau để hai cơ thể quen hơi. Theo các già làng, ông trời đã bắt họ làm vậy, và điều cốt lõi, làm vậy để trai gái được kết duyên vợ chồng, được sống trọn đời chung thuỷ bên nhau...

Có người nhiều năm đi "ngủ ngửi" nhưng vẫn chưa tìm được người nào hợp hơi; nhưng cũng có người một lần đã nên duyên vợ chồng. Các thiếu nữ người Dao đeo tiền thì luôn mong chờ tiếng cộc kệch vang lên trước cửa vào mỗi buổi tối, để khẳng định rằng mình đã lớn.

Ngủ thăm để được cưới vợ

Đây là một tục lệ từ hàng nghìn năm nay của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao, Mường…ở Mường Lát (Thanh Hóa). . Tục lệ này cho phép những chàng trai đến tuổi trưởng thành được phép tới "ngủ thăm" nhà một cô gái mà họ ưng.

Các cô gái đến tuổi trưởng thành, ban ngày đi làm việc, tối đến đốt một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó. Các chàng trai có nhu cầu tìm hiểu người con gái mình sẽ lấy làm vợ, có thể tìm đến để "ngủ thăm". Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2013/03/06/18/20130306183325_ngutham.jpg
Những cô gái, chàng trai miền sơn cước chỉ 14-15 tuổi đã ngủ thăm. (Ảnh: VietNamNet)

Vào được rồi, chàng trai sẽ nằm xuống bên cạnh cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự ở tư thế... chung chăn, chung gối mà không được chạm vào người nhau.

Sau khoảng 5-6 đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Để được “ngủ thật”, hai người phải thưa với bố, mẹ cả 2 bên gia đình để xem có hợp tuổi không. Khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến ở làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo với chàng trai rằng: "Anh cứ về thôi!", như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối...

Ngủ duông để chọn ý trung nhân

Người Cơ Tu có một phong tục đặc biệt riêng là "ngủ duông", tiếng địa phương gọi là lướt zướng. Người con trai Cơ Tu phải làm nhà ngủ duông vào tầm tháng 9, tháng 10 của năm, sau khi đã thu hoạch xong.

Nhà ngủ duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng. Gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm như lá cây... và ngôi nhà này được cả làng đều biết.

Hai người có cảm tình với nhau có thể ngủ ở nhà duông cùng nhau từ 3 đến 5 đêm, hoặc hơn thế, để tự do tìm hiểu. Nhưng họ không được vi phạm những quy định như cấm quan hệ bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới.

Nếu vi phạm, thì tùy ở mức độ, sẽ bị phạt. Thường thì chàng trai bị phạt rất nặng, làng bắt người con trai đó phải giết heo có khi là trâu, bò mang từng phần đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn; đôi khi phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ không ai tiếp xúc với những con người phạm tục. Cũng vì sự phạt nặng này mà từ xa xưa, nam nữ Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.

Ngủ lần cuối trước khi ly hôn

Người Thái và Khơ Mú rất coi trọng chuyện hôn nhân. Vì thế, khi lấy nhau, tất cả người dân phải bằng mọi cách để gia đình không tan vỡ. Nếu xảy đến việc ly hôn, thì việc chia tay cũng hết sức lạ đời.

Theo phong tục, một ngày sau khi ra tòa, cặp vợ chồng vừa chia tay phải trở về bản để chuẩn bị làm lễ ly hôn. Theo nghi thức, lễ ly hôn được tổ chức ở nhà người vợ trước. Và cũng như đám cưới, gia đình người vợ phải cho người đi đến các gia đình trong bản mời đại diện đến tham dự. Một ngày sau, đến lượt nhà trai tổ chức nghi lễ tương tự. Cũng có rạp, loa đài mở inh ỏi, cũng mổ bò, mổ lợn tưng bừng và cúng bái tổ tiên.

Kết thúc buổi lễ, đêm hôm ấy, vợ chồng về nhà chung của hai người (trước khi cưới, nhà trai phải dựng nhà trước) và sống với nhau một đêm cuối cùng. Thông thường những đêm như thế này, họ thức với nhau đến sáng để tâm sự và rồi ngày sau đó, người vợ và những đứa con (nếu vợ bị chồng bỏ) sẽ soạn đồ đạc và về nhà ngoại ở, chính thức chia tay nhau. Bắt đầu từ lúc này, họ chỉ còn là vợ chồng cũ và được phép tìm hiểu và xây dựng gia đình với người mới.

Thu Hòa (Tổng hợp)
Thiều gia theo Việt Nam.NET