PDA

View Full Version : Bí ẩn lăng mộ vua chúa trung hoa



Shaolaojia
13-07-2013, 10:58 AM
1. Mộ Tần Thủy Hoàng Đế


Shaolaojia: Theo Wikipedia, Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn (骊山) thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), cách Tây An 50 km về phía đông.

Bên trên mộ bao bọc bởi một lớp đất đắp nổi cao 76 m, từ Nam đến Bắc dài 350 m, từ Tây sang Đông rộng 354 m. Trên mặt đất chung quanh lăng còn có hai lớp tường thành, diện tích thành bên ngoài là 2 km² có cửa. Giữa hai lớp thành có các giác lâu, cung tẩm, chùa chiền, nhà ở... Bên dưới mặt đất là địa cung hình chữ nhật, dài 460 m từ Nam sang Bắc, rộng 392 m từ Tây sang Đông, bốn phía có tường bao bọc. Tường bao cao 27 m, dày 4 m, bốn phía đều có cửa. Tổng diện tích địa cung là 18 vạn m².

Từ trên xuống dưới có ba tầng: trên cùng là ngoại cung, tiếp theo là nội cung và sau cùng là tẩm cung. Diện tích tẩm cung khoảng 2 vạn m². Trong tẩm cung phát hiện nồng độ thủy ngân cao hơn mức bình thường 280 lần. Ngoài địa cung, gần khu vực có lớp đất bao bọc bên trên phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng (chôn kèm theo xác) với trên 5 vạn cổ vật quan trọng. Bộ Sử kí của sử gia thời Tây Hán - Tư Mã Thiên,thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng như sau: "Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ Đồng nung và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông,nhưTrường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi."

Sau khi chôn cất xong, có người nói: "Những người thợ làm máy và cất giấu đều biết chỗ cất giấu, thế nào họ cũng tiết lộ việc lớn". Cho nên sau khi cất giấu xong, Tần Nhị Thế (con trai Tần Thủy Hoàng) sai đóng đường hầm đi đến huyệt và cửa ngoài hầm. Những người thợ và người cất giấu không làm sao thoát ra được. Rồi sai trồng cây, trồng cỏ lên trên ngụy trang thành cái núi.

Thật hư của những câu chuyện này đến đâu ? Xin giới thiệu một số bài viết liên quan giúp những người quan tâm hoặc giả những ai có nhã hứng thời vào đọc giải khuây.



http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/ca%20vo%20lng%20tn%20thy%20hong.jpg
Cửa vào khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Bài 1. Sự huyền bí về lăng Tần Thủy Hoàng
 
Lăng Tần Thủy Hoàng nằm trên địa bàn Huyện Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây, nhìn từ trên không khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng trông như một Kim tự tháp đồ sộ.

Bố cục và kết cấu lăng Tần Thủy Hoàng được phỏng theo đô thành nhà Tần ở Hàm Dương, dưới gò đất cao là tượng trưng cho hoàng cung hào hoa tráng lệ, nội thành và ngoại thành khu lăng mộ tượng trưng cho cung thành Hàm Dương và thành quách bên ngoài. Khu lăng và khu tùy táng rộng 66,25 km2, rộng gấp đôi khu nội thành Tây An hiện nay.

Tần Thủy Hoàng 13 tuổi đã bắt đầu cho xây mộ, sau khi thống nhất 6 nước lại bắt hơn 100 nghìn phu từ các nơi về tiếp tục xây mộ, mãi tới khi ông chết lúc 50 tuổi, cả thảy xây dựng trong 37 năm. Theo sử sách ghi lại, trong cung điện ngầm dưới lăng Tần Thủy Hoàng có rất nhiều cung điện, lầu các, trong có rất nhiều báu vật. Để phòng ngừa trộm mộ, trong có lắp đặt hệ thống cung tên tự động.

Năm 210 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng chết đột ngột tại Sa Khưu Bình Đài <xã bình tỉnh Hà Bắc ngày nay>. Sau hai tháng ông chết, thi hài được chuyển về Hàm Dương và cử hành lễ táng long trọng. Khi đưa vào mộ, Hồ Huyền-đời thứ 2 nhà Tần ra lệnh bắt các cung nữ của Tần Thủy Hoàng phải tùy táng, những thợ xây mộ cũng phải tùy táng trong mộ.

Theo “Hán Thư” và “Thủy Kinh Chú” ghi lại rằng: Lăng Tần Thủy Hoàng bị Hạng Vũ thiêu hủy năm 206 trước công nguyên. Trong “Thủy Kinh chú” của Lệ Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy có viết, sau khi đánh vào Hàm Dương, Hạng Vũ đã huy động 300 nghìn người vận chuyển trong 30 ngày mà vẫn chưa hết các đồ vật trong cung. Sau lại bị những tên cướp Quan đông lấy cắp Đồng quách. Về sau có người chăn cừu đi tìm cừu thất lạc đã mang theo đuốc vào trong mộ, chẳng may làm cháy khu mộ, truyền thuyết kể rằng đám cháy kéo dài trong 90 ngày. Cách nói này được lưu truyền rộng rãi.

Nhưng cũng có người cho rằng khi Tư Mã Thiên viết “Sử Ký” chỉ sau hơn 100 năm Tần Thủy Hoàng mất. Trong sử ký, Tư Mã Thiên có chương nói về Tần Thủy Hoàng, nhưng không hề nói đến chuyện mộ bị thiêu hủy, nhưng Lệ Đạo Nguyên sau 600 năm lại viết tường tận về việc này, khiến cho mọi người không thể không nghi ngờ.

Sau năm 1949, các nhà khảo cổ Trung Quốc tiến hành khảo sát đối với lăng Tần Thủy Hoàng, nhất là đã phát hiện khu Binh mã dõng nhà Tần. Các nhà khảo cổ đã khoan hơn 200 mũi khoan ở khu vưc xung quanh địa cung, chỉ phát hiện có hai lỗ của bọn đào mộ trộm, một lỗ ở phía đông bắc lăng, một ở phía tây lăng, đường kính khoảng 90 cm, sâu 9 mét nhưng còn cách xa trung tâm tới 250 mét, chưa đi vào địa cung. Hai lỗ đào trộm này hiện bị vùi lấp sâu dưới lòng đất, bề mặt khó có thể nhận ra.

Theo nghiên cứu về các tầng đất, các bức tường của địa cung không bị phá hoại cũng như sự phân bố có qui luật của thủy ngân trong địa cung có thể rút ra kết luận địa cung vẫn hoàn hảo, chưa từng bị phá hoại hoặc đào trộm. Những truyền thuyết về Hạng Vũ khai quật mô, địa cung bị cháy trong sách của Ban Cô và Lệ Đạo Nguyên là không tin cậy. Theo dự đoán, nhưng nơi bị Hạng Vũ thiêu hủy năm xưa rất có thể là những công trình kiến trúc phụ. Nếu đúng như vậy thì lăng Tần Thủy Hoàng lại sẽ là một địa cung có một không hai trên thế giới.

Còn tiếp...

Shaolaojia
13-07-2013, 07:30 PM
Bài 2. Vĩ đại và đẫm máu

Trung Quốc, một trong những cái nôi của văn minh thế giới với hàng ngàn năm lịch sử dung chứa biết bao câu chuyện kỳ bí. Loạt bài "Bí ẩn lăng mộ vua chúa Trung Hoa" tập trung vào những bí ẩn xung quanh lăng mộ các ông hoàng bà chúa Trung Hoa, trải dài trong hơn 2.000 năm.

Mỗi nấm mộ ấy không chỉ gây chú ý cho chúng ta về quy mô, độ hoành tráng mà ẩn chứa trong đó nhiều lát cắt thời gian, giúp con người hiện đại rọi chiếu rõ hơn về những bước phát triển huy hoàng trong quá khứ cũng như những câu chuyện bi thương của người dân trong thời phong kiến.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/chin%20binh%20.jpg
Các chiến binh đất nung và đội kỵ binh trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Cuộc khai quật vừa diễn ra ở khu vực lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc đã giúp hé lộ thêm nhiều chi tiết, được xem là dẫn tới những bước ngoặt trong lĩnh vực khảo cổ và lịch sử.

Tính từ năm 2009, khi đợt khai quật này được tiến hành, đã có 310 hiện vật gồm các bộ phận chiến xa ngựa kéo, vũ khí, đồ tùy táng, 12 tượng ngựa bằng gốm và khoảng 120 chiến binh đất nung. “Lần đầu tiên, chúng tôi tìm thấy những tấm khiên đặt trên chiến xa được sơn màu. Trong hai hố khai quật trước (năm 1974 và 1985), không phát hiện những chiếc khiên loại này”, Tào Vỹ, giám đốc Bảo tàng Chiến binh đất nung và ngựa chiến của Tần Thủy Hoàng cho biết. Thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), binh lính sử dụng khiên dài 60cm, rộng 40cm với các họa tiết hình khối màu đỏ, xanh lá cây và trắng.

Hoàng đế Tần Thủy Hoàng hay Tần Doanh Chính (259-210 trước Công nguyên) lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và giành quyền kiểm soát triều chính vào năm 22 tuổi. Năm 221 trước Công nguyên, Tần vương thôn tính 6 nước gồm Sở, Chu, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc. “Tần Thủy Hoàng” tức là hoàng đế đầu tiên của nhà Tần.

Ngay sau khi lên ngôi Tần vương lúc mới 13 tuổi, Tần Doanh Chính đã huy động 700.000 tù nhân để xây lăng mộ cho mình để đảm bảo sau này được yên giấc ngàn thu. Công trình được xây dựng ròng rã suốt 38 năm. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở khu vực núi Linh Sơn, thuộc Lâm Đồng, Tây An, tây bắc Trung Quốc. Ngôi mộ hình vuông, mái phẳng, cao 76m, rộng 345m, dài 350, theo hướng bắc-nam, có diện tích 120.750m2.

Khu mộ được lấp đất và bảo vệ chặt chẽ. Ba hố khai quật khảo cổ trong các năm 1974, 1985 và 2009, nơi người ta tìm thấy các chiến binh đất nung cách mộ Tần Thủy Hoàng 1km về phía đông.

Hố số 1 được phát hiện rất tình cờ năm 1974, khi nông dân ở một làng gần đó tìm thấy một số đồ gốm bị vỡ khi đào giếng. Mở rộng khai quật, người ta phát hiện nhiều tượng chiến binh đất nung và ngựa gốm.

Năm 1976, hố số 2 được phát hiện cách hố thứ nhất 20m và sau đó là hố số 3, cách hố thứ nhất 25m. Các chiến binh đất nung và đội kỵ binh được dàn trận theo binh pháp nhà Tần. Mỗi chiến binh có chiều cao và khuôn mặt khác nhau, thậm chí biểu hiện trạng thái trên khuôn mặt cũng không giống nhau.

Tổng diện tích của ba hố đào là hơn 20.000m2, hơn 8.000 đồ vật bằng gốm, chiến xa và vũ khí thời cổ đại đã được tìm thấy. Năm 1980, hai chiến xa bằng đồng được phát hiện và chúng là những chiến xa cổ đại lớn nhất Trung Quốc.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/mo%20tan%20thuy%20hoang%20.jpg
Các tượng chiến binh được phát hiện tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng trong lần khai quật thứ 3 (kéo dài từ 2009 đến tháng 5/2012).

Lần khai quật thứ nhất kéo dài từ năm 1974 đến 1984. Sau đó, năm 1985, người ta tiếp tục đợt khai quật lần hai nhưng chỉ diễn ra trong một năm vì thiếu thiết bị và công nghệ hạn chế.

Các chiến binh đất nung, có lẽ được chôn ở tư thế đứng, đã bị vỡ khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra. Các nhà khảo cổ đã phải phục chế và đưa chúng về vị trí ban đầu.

“Tấm khiên vừa được phát hiện, đã bị vỡ một phần, được cho là thuộc loại dành cho võ quan cao cấp bởi nó rộng hơn và có họa tiết màu trên bề mặt”, Trương Vĩ Hưng, một nhà nghiên cứu thuộc nhóm khảo cổ cho biết. Sự tươi sáng của màu sắc vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi”, ông nói.

Nguyên Trọng Di, người tham gia đợt khai quật lần đầu năm 1974 khẳng định một trong những phát hiện quan trọng của đợt khảo cổ lần này chính là cách sắp xếp đội hình chiến đấu của quân đội nhà Tần.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thuộc dạng những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1987.

“Các nhà khảo cổ từng dự đoán rằng những đội quân thời cổ đại thường bố trí những cánh quân hai bên “cánh gà” để đề phòng bị phục binh và đợt khai quật này đã chứng tỏ quân Tần có bố trí những đội binh mã như thế”, ông Nguyên nói.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/tn%20thy%20hong%2003%20.jpg
Chiến mã bằng đồng

Lần khai quật thứ nhất cũng củng cố thêm nghi vấn rằng khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã bị cố ý đốt phá. Theo ông Thẩm Mao Thắng, một nhà khảo cổ tham gia đợt khai quật này, nhiều nhà khoa học cho rằng Hạng Vũ (232-202 trước Công nguyên) đã cho người đốt phá và cướp vũ khí từ khu vực hầm mộ.

Lần khai quật thứ nhất cũng củng cố thêm nghi vấn rằng khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã bị cố ý đốt phá. Theo ông Thẩm Mao Thắng, một nhà khảo cổ tham gia đợt khai quật này, nhiều nhà khoa học cho rằng Hạng Vũ (232-202 trước Công nguyên) đã cho người đốt phá và cướp vũ khí từ khu vực hầm mộ.

Shaolaojia sưu tầm

Shaolaojia
14-07-2013, 08:14 AM
Bài viết về Tần Thủy Hoàng sẽ dừng tại đây. Chúng tôi sẽ nhường hai trang để bổ xung về sau.

Shaolaojia
14-07-2013, 08:16 AM
Bài viết về Tần Thủy Hoàng sẽ dừng tại đây.

Shaolaojia
14-07-2013, 08:40 AM
2. Mộ Ngụy Vương Tào Mạnh Đức


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/to%20mnh%20c.jpg
Ngụy Vương Tào Mạnh Đức


Shaolaojia: Theo Wikipedia, Tào Tháo (chữ Hán: 曹操; 155 – 220); tự là Mạnh Đức (孟德), là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái tổ[1] Vũ Hoàng Đế.

Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn khăn vàng và Đổng Trác. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ.[2]

Ông còn là một nhà thơ xuất sắc. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.

Bài 1. Trung Quốc tìm thấy mộ thật của Tào Tháo

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học Trung Quốc tin rằng họ đã tìm thấy lăng mộ gần 1.800 năm tuổi của Tào Tháo - nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc và cũng nhà thơ lớn thời Tam Quốc.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/m%20to%20tho.jpg
Lối vào lăng mộ được tin là của Tào Tháo.

Lăng mộ được phát hiện tại làng Xigaoxue thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc. Nó nằm gần khu di tích tại Lạc Dương, nơi Tào Tháo đã cai trị nước Ngụy từ năm 208 cho đến năm 220 khi ông qua đời ở tuổi 65.

“Công tác khai quật đã diễn ra gần 1 năm nay và chúng tôi sẽ còn phát hiện thêm các bằng chứng. Nhưng dựa vào những gì mà chúng tôi đã thu được, chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng lăng mộ đó thuộc về Tào Tháo”, tờ China Daily dẫn lời quan chức Guan Qiang từ Ban di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc, cho biết.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/m%20to%20tho%201.jpg
Bên trong lăng mộ của Tào Ngụy.

Nhiều đồ vật được tìm thấy trong lăng mộ được miêu tả là các vật dụng cá nhân mà Tào Tháo từng sử dụng.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện quan tài của 3 người trong lăng mộ - một của người đàn ông khoảng 60 tuổi, được tin là Tào Tháo; một của phụ nữ khoảng 50 tuổi và người phụ nữ thứ 2 trong độ tuổi từ 20-25, được cho vợ của Tào Tháo và cô người hầu.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/m%20to%20tho%202.jpg
Một tấm bia đá khắc dòng chữ "Ngụy Vương" (tức Tào Tháo).

Lăng mộ được phát hiện khoảng 1 năm về trước nhưng chỉ được các nhà chức trách chú ý sau khi những phiến đá khắc các chữ “Ngụy Vương” (tức Tào Tháo) được tịch thu từ những kẻ trộm lăng mộ.

Cho tới nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 250 di vật từ ngôi mộ nằm trên diện tích rộng 740 m2, một khu vực thích hợp là nơi chôn cất cho một người có tầm cỡ như Tào Tháo.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 59 đĩa đá trên đó khắc tên và số lượng của các đồ vật được chôn trong mộ. 7 chiếc đĩa khác khắc tên của các vũ khí mà "Ngụy Vương” thường sử dụng. Một số lượng lớn các bức tranh khắc họa trên các đĩa đá hiện chưa được khai quật.

Tào Tháo viết trong di chúc rằng ông muốn một nơi chôn cất đơn giản. Điều này phù hợp với sự thật là những bức tường bao quanh lăng mộ không được tô vẽ và không nhiều vật dụng quý được tìm thấy trong mộ. Vị trí của lăng mộ cũng phù hợp với các ghi chép lịch sử và các cuốn sách cổ từ thời Tào Tháo.

Lăng mộ đã bị bọn trộm đột kích vài lần trước khi các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật nó vào tháng 12/2008. Cảnh sát đang cố gắng tìm kiếm và thu hồi những đồ vật đã bị đánh cắp.

Chính quyền An Dương và Hà Nam đang có kế hoạch mở cửa lăng mộ để công chúng vào thăm.

Tào Tháo (155-220) là một nhà chính trị lỗi lạc và nhà quân sự có tài. Ông đã lập nên nước Ngụy (với kinh đô ở Lạc Dương) - một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ kiệt xuất. Hiện một số bài thơ của ông vẫn được đưa vào sách giáo khoa dành cho học sinh trung học Trung Quốc.

Lịch sử Trung Quốc vốn có nhiều truyền thuyết về lăng mộ Tào Tháo, đặc biệt là truyền thuyết “72 ngôi mộ giả” được nhiều thế hệ người Trung Quốc truyền tụng. Vốn là người đa nghi, Tào Tháo đã tạo 72 ngôi mộ giả để tránh bị đào mồ. Hài cốt thực của Tào Tháo chôn ở đâu xưa nay vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất đã giúp vén màn bí ẩn lịch sử.

An Bình (Theo Xinhua, Dailymail)

Còn tiếp...

Shaolaojia
14-07-2013, 08:52 AM
Bài 2. Lăng mộ Tào Tháo, ba thực bảy hư


Tương truyền: Tào Tháo, tức Ngụy vương thời Tam Quốc đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư và vì thế mà ngôi mộ thật của ông ta cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Hồi tháng 8-2010, cuộc triển lãm những vật được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ được cho là của Tào Tháo, một nhân vật chính trị lừng danh sống ở thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên được tổ chức tại gần địa điểm ngôi mộ (hạt An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) .Các nhà khảo cổ tuyên bố: “Chúng tôi đã hoàn tất việc khai quật và đây là một phát hiện lớn”.

Tào Tháo (155-220), người lập ra vương quốc hùng mạnh nhất trong thời kỳ Tam Quốc (220-280), lừng danh với tài năng quân sự, chính trị và cả thơ ca. Ông cũng nổi tiếng là một người đa nghi và quyền biến. Xung quanh cuộc đời của con người này, đã có biết bao câu chuyện được truyền tụng mà như các nhà sử học nhận định, có bảy phần thực, ba phần hư.

Bí mật về ngôi mộ của người được xem là có nhiều kẻ thù lúc còn sống cũng tồn tại suốt cả ngàn năm. Người ta nói trước khi chết, Tào Tháo đã cho làm rất nhiều mộ giả của chính mình để kẻ thù không biết đâu là thực, đâu là hư và vì thế mà ngôi mộ thật của ông ta cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Khi người ta tuyên bố tìm thấy mộ Tào Tháo ở Hà Nam, giới khoa học vẫn không hoàn toàn thực sự tin đó là mộ của người đứng đầu nước Ngụy thời Tam Quốc. Bởi ngay cả những xét nghiệm ADN sau đó cũng không không thể thực hiện được.

Năm 2008, một nhóm nhà khoa học bắt đầu tiến hành khai quật khu mộ được cho là đã 1800 năm tuổi. Trong khu mộ có diện tích 740m2, kích cỡ tương đương nhiều ngôi mộ dành cho vua chúa, người ta tìm thấy vài mẫu xương cùng với hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc và gốm.

Vị trí ngôi mộ cũng tương thích với những ghi chép lịch sử và thư tịch cổ từ thời Tam Quốc. Nhưng những tranh cãi sau đó đã đưa nhận định tìm thấy mộ Tào Tháo trở nên mong manh. Trong khi đó, mộ người con trai của họ Tào là Tào Phi ít gây ra tranh cãi hơn. Có khoảng 4-5 ngôi mộ được cho là của Tào Phi và các học giả tin rằng ngôi mộ thật nằm ở Vu Sơn, Sơn Đông, được phát hiện năm 1951.

Các nhà khảo cổ độc lập đã tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố về ngôi mộ ở An Dương là của Tào Tháo. Người ta đã đề nghị xét nghiệm ADN mẫu xương lấy từ ngôi mộ này và so sánh với xương trong ngôi mộ được cho là của Tào Phi.

Tuy nhiên, Lưu Vũ Tân, một người chịu trách nhiệm coi sóc di tích mộ Tào Phi nói 28 mẫu xương được cho là của Tào Phi đã bị thất lạc trong những năm 1950.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/m%20to%20tho%202.jpg
Tấm thẻ bài được tìm thấy trong khu mộ ở An Dương khắc chữ "Ngụy Vũ vương" .

Ông Lưu cho biết số xương đã được đưa đến Hà Nam sau khi phát hiện nhưng trải qua thời gian và sự thay đổi các cấp quản lý, chúng đã bị thất lạc.

Vương Minh Huy, chuyên gia tham gia vụ khai quật ở An Dương nói xét nghiệm hộp sọ và răng trong trường hợp này là không có tác dụng, xét về mặt kỹ thuật. Trong khi đó Lý Căn, một nhà khoa học ở tỉnh An Huy, nơi có một ngôi mộ được xác định của một người thân họ Tào, khẳng định ngôi mộ ở An Dương khá sơ sài và không đúng với phong cách mồ mả của thời Đông Hán.

Giới chức Hà Nam lại cho biết họ tin dân làng ở hạt Khu Đồng, nơi gần ngôi mộ được cho là của Tào Phi đều là hậu duệ của họ Tào. “Chúng tôi có khoảng 500 người, đều mang họ Tào”, một dân làng có tên Tào Ngụy Quốc nói. “Tuy nhiên, tôi không có cách nào chứng minh chúng tôi là con cháu Tào Tháo”.

Dù vụ khai quật ngôi mộ ở An Dương được xem là 10 phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất trong năm 2009 của Trung Quốc, các học giả vẫn cho rằng những đồ vật khẳng định là tìm thấy trong mộ đều là giả.

Sau vụ khai quật, 23 chuyên gia đến từ khắp Trung Quốc đã nhóm họp ở Giang Tô để chứng minh ngôi mộ ở An Dương không phải của họ Tào.

Nhà nghiên cứu văn bia Lý Lực Bình, giám đốc Ủy ban nghiên cứu Thư tịch của tỉnh Giang Tô cho rằng, chữ niên (年) trên văn bia ngôi mộ ở An Dương được khắc theo phong cách hiện đại, không thể là văn bia thời cổ. “Sau hàng ngàn năm phong hóa, những chữ khắc trên bia đá mộ Tào công sẽ ra sao?”, ông Lý đặt câu hỏi. “Đây là những đồ giả mạo rẻ tiền mới làm ba năm, nếu không nói là ba ngày trước”.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/vua_chua_xua/Vua_chua_Tau/m%20to%20tho%203.jpg
Một số đồ trang sức bằng mã não được cho là tìm thấy trong mộ Tào Mạnh Đức...
Lâm Thành, một chuyên gia khảo cổ đến từ Hà Nam khẳng định chức danh "Ngụy Vũ vương" khắc trên bia của ngôi mộ cũng không chính xác và không thích hợp. “Ngụy vương là tên hiệu của Tào Tháo khi còn sống và khi qua đời, ông được phong là Vũ vương”, ông Lâm giải thích. Theo cung cách thời đó, không thể có hai tên hiệu được cùng lúc sử dụng như thế”.

Trương Quốc An, một chuyên gia về đời Ngụy Tấn (220-420) cho biết bằng việc nghiên cứu kết cấu và hệ thống các ngôi mộ cổ, ông phát hiện ra rằng diện tích ngôi mộ bằng đúng kích cỡ của mộ Tào Hưu, một trong những người con của Tào Tháo. Và ông nhận định, theo phép tắc, mộ con không thể lớn bằng mộ cha.

Trong ngôi mộ ở An Dương, người ta tìm thấy hài cốt của ba người, một đàn ông và hai phụ nữ. Người đàn ông chết ở tầm tuổi ngoài 60, phù hợp với tuổi thọ của Tào Tháo.

Một chi tiết gây ngạc nhiên: trong ngôi mộ được cho là của Tào Tháo đó, người ta tìm thấy một cái bô bằng gốm (dùng để đi vệ sinh). Các chuyên gia cho rằng không thể có một vật như thế trong mộ của vua. Nhưng cũng có người cho rằng ở thời Hán, điều này là có thể. Người ta từng tìm thấy những vật tương tự trong những lăng mộ cổ thời ấy.

Dù tranh cãi tiếp diễn, chính quyền địa phương vẫn cho xây dựng một khu công viên về Tào Tháo ở An Dương với hy vọng sẽ thu được 400 triệu nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 58,5 triệu USD).

Trên thực tế, không chỉ riêng Tào Tháo, mà với hầu hết các nhân vật Tam Quốc, mộ phần đích thực của họ đến nay vẫn là một câu hỏi lớn cho đời sau.

Theo Trường Thủy

Khampha.vn