PDA

View Full Version : Chuyện xã hội: 'Trọng Tấn xin thôi việc là đúng'



taothao
16-09-2013, 11:13 AM
Không có đạo đức xã hội nào bắt buộc con người phải yêu quý và phải làm một việc nào đó. Không có lý lẽ nào cho rằng một người từ bỏ làm giảng viên-ca sĩ để trở thành một nghệ sĩ tự do là không có đạo đức.

Bên cạnh những người tôn trọng quyết định cá nhân của Trọng Tấn, một số nghệ sĩ có những bình luận mang tính phê phán sự lựa chọn xin thôi việc làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia của anh. Tôi cho rằng để phê phán một con người cần đánh giá hai điểm thiết yếu là người đó có vi phạm pháp luật hay không hoặc có vi phạm đạo đức xã hội hay không.

Trọng Tấn làm giảng viên trong một trường đại học công lập có nghĩa anh là viên chức nhà nước, đó là một quan hệ pháp luật mang tính tự nguyện, bình đẳng giữa anh và Học viện Âm nhạc Quốc gia. Trọng Tấn không có nghĩa vụ phải làm việc này suốt đời mà có thể chấp dứt quan hệ bằng việc đề nghị được thôi việc, miễn là phải báo trước một thời gian nhất định và hoàn thành những nghĩa vụ còn dang dở. Như vậy quyết định của Trọng Tấn không hề vi phạm pháp luật.

Còn về vấn đề đạo đức thì sao? Không có đạo đức xã hội nào bắt buộc con người phải yêu quý và phải làm một việc nào đó. Không có lý lẽ nào cho rằng một người từ bỏ làm giảng viên-ca sĩ để trở thành một nghệ sĩ tự do là không có đạo đức. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc của riêng mình miễn là không vi phạm pháp luật và đạo đức.


http://m.f29.img.vnecdn.net/2013/09/16/tan-1378701913-8337-1379293223.jpg

Có nghệ sỹ cho rằng nếu ai cũng như Trọng Tấn thì trường giải tán. Đây chỉ là một trường hợp riêng của Trọng Tấn, không có lý do gì lại khái quát thành chuyện nghiêm trọng đến mức trường không còn đủ giảng viên và phải giải tán.

Thực tế vẫn còn rất nhiều giảng viên yêu nghề và vẫn gắn bó với trường. Giả sử việc “ai cũng bỏ trường đi như Trọng Tấn” xảy ra thì trách nhiệm cũng không thuộc về những người bỏ đi mà chính nhà trường cần phải xem xét lại.

Cũng có người cho rằng Trọng Tấn lúc mới làm giảng viên rất yêu nghề, còn nay bỏ nghề giáo để chạy theo đồng tiền. Nhận xét này không xác đáng vì việc thích hay không thích một điều gì đó không phải là tội lỗi. Thực tế tôi tin rằng Trọng Tấn không làm giảng viên cơ hữu ở trường thì vẫn có thể làm cộng tác viên, ngoài ra anh vẫn tham gia dìu dắt thế hệ học trò bằng các lớp thanh nhạc tư.

Tôi thấy nhiều giảng viên-nghệ sĩ tự hào về việc mình vẫn yêu nghề dạy học mặc dù đãi ngộ thấp thậm chí không đủ sống. Dù sao vẫn phải đánh giá cao những người vừa là giảng viên tâm huyết vừa là nghệ sĩ được nhiều người yêu mến. Nhưng sự lựa chọn đó của họ cũng không thực sự là “những tấm lòng cao cả” như họ vẫn nói hoặc xã hội vẫn nghĩ, chính những nghệ sĩ đã trải lòng về những lợi ích rất thực dụng.

Trước hết, làm giảng viên được người đời trọng vọng. Đây là suy nghĩ không có gì sai nhưng lại chứng tỏ một một niềm thỏa mãn, một nhu cầu cá nhân là được xã hội tôn trọng.

Ngoài ra, một điều mà nhiều nghệ sĩ thừa nhận làm giảng viên hưởng lợi ích về thời gian linh hoạt cũng như danh tiếng để kiếm thu nhập chính ở hoạt động biểu diễn bên ngoài. Rõ ràng, như ca sĩ Lan Anh chia sẻ rằng việc đóng hai vai giảng viên và nghệ sĩ quả thật rất có ích và hỗ trợ lẫn nhau.

Quay trở lại chuyện Trọng Tấn, anh đã thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm của mình với nghề nghiệp khi anh dứt áo ra đi vì muốn làm một ca sĩ phục vụ công chúng tốt hơn nữa và không muốn làm ảnh hưởng tới công việc của trường. Điều này tôi thấy còn tốt hơn những người dạy không tốt mà vẫn bám trụ nhằm giữ “danh tiếng” để chạy sô.

Tôi luôn trân trọng những người vừa là giảng viên tâm huyết vừa là nghệ sĩ tài năng. Nhưng nếu coi đó là con đường chân chính duy nhất thì là một sự đạo đức giả. Không gì tốt hơn với Trọng Tấn lúc này là sự thông cảm và chúc anh thành công hơn nữa trong tương lai.

Bùi Tiến Đạt