PDA

View Full Version : Sự phát triển của xã hội - một "lát cắt nhỏ" từ lịch sử của Hy Lạp cổ (725-325 TCN)



ngochai
20-01-2015, 04:48 PM
Chúng ta có thể nói rằng, một xã hội phải đương đầu với nhiều vấn đề trong tiến trình phát triển của nó, thành công hay không là nhờ vào việc mỗi thành viên của nó tự mình giải quyết những vấn đề đó theo cách tốt nhất có thể. Sự xuất hiện của mỗi vấn đề là một thử thách phải chịu đựng, một thách thức phải vượt qua, và qua chuỗi thử thách này các thành viên trong xã hội dần hình thành được những sự khác biệt giữa chúng với các thành viên khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể thấu hiểu ý nghĩa của bất kỳ hành vi nào của một thành viên cụ thể dưới một thử thách cụ thể nếu không tính đến những hành vi tương tự hoặc không tương tự của các thành viên khác, cũng như nếu không coi những thử thách liên tiếp ấy là một chuỗi các sự kiện trong tiến trình phát triển của toàn xã hội.


http://l.f29.img.vnecdn.net/2013/08/16/Hylap-JPG-1376619035_500x0.jpg

-------------------------------------------------------------------

Minh họa cho vấn đề nêu trên, chúng ta cùng tiếp cận một sự kiện trong lịch sử: xuất phát từ lịch sử của các quốc gia – đô thị Hy Lạp cổ trong vòng bốn thế kỷ từ năm 725 tới 325 TCN.

Không lâu sau thời điểm khởi đầu của thời kỳ này, tất cả các thành viên trong rất nhiều đô thị nói trên đều phải đối mặt với áp lực dân số đè nặng lên sinh kế. Phương tiện mưu sinh của người Hy Lạp cổ lúc bấy giờ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng trọt một số sản phẩm nông nghiệp để tiêu thụ trong gia đình. Khi cơn khủng hoảng lương thực xảy ra, chính quyền các thành phố khác nhau đã chống chọi với nó theo những cách khác nhau.

Một số thành phố, như Corinth và Chalcis, cắt giảm dân số dư thừa bằng cách chiếm đóng những khu vực canh tác nông nghiệp ở hải ngoại như đảo Sicily, miền nam nước Ý, đảo Thrace và những nơi khác làm thuộc địa. Do đó, có thể nói các vùng thuộc địa của Hy Lạp cổ được thành lập đơn giản là nhằm mở rộng lãnh thổ địa lý của xã hội Hy Lạp cổ mà vẫn không thay đổi đặc tính của nó. Ngược lại, một số cộng đồng khác chọn giải pháp thay đổi cách sống của họ.

Ví dụ như Sparta, đã thỏa mãn các cơn khát đất của các công dân bằng cách tấn công và chinh phạt những người láng giềng Hy Lạp gần nhất. Kết quả là Sparta chỉ dành thêm được đất đai với cái giá phải trả là những cuộc chiến tranh dai dẳng với các nước lân cận. Để tránh các cuộc chiến tranh liên miên ấy, chính quyền Sparta buộc phải quân sự hóa đời sống của người dân từ trên xuống dưới, bằng cách thành lập và thích nghi với những tổ chức đồng minh nguyên thủy, thường là với một số cộng đồng Hy Lạp gần đó, trong khi tại khu vực khác, hình thức liên minh này đang dần biến mất.

Athens lại giải quyết vấn đề dân số theo cách khác. Nó không chỉ tiến hành chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp mà còn khai sinh ra nền sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và sau đó phát triển các cơ quan chính trị một cách công bằng cho các tầng lớp mới nảy sinh từ những cải cách kinh tế này. Nói cách khác, chính quyền Athens đã ngăn chặn một cuộc cách mạng xã hội bằng cách thực hiện thành công cuộc cách mạng kinh tế và chính trị. Khám phá ra giải pháp cho vấn đề khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên diện rộng ấy, người Athens đã tình cờ mở ra một con đường mới cấp tiến cho toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ. Đó chính là lý do vì sao Pericles, khi nói về Athens giầu có của mình đã khẳng định rằng nó là “tấm gương giáo dục cho toàn Hy Lạp”.

Với cách nhìn tổng thể đang được bàn đến ở đây, ta không chọn Athens, Sparta, Corinth hay Chalcis, mà là toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ làm trọng tâm, để có thể đồng thời hiểu được ý nghĩa của lịch sử các cộng đồng tồn tại trong thời kỳ từ 725 tới 325 TCN cũng như sự chuyển tiếp từ thời kỳ này sang thời kỳ tiếp theo - trong dòng chảy lịch sử của nhân loại.