PDA

View Full Version : Thi Sỹ TẢN ĐÀ - Một góc nhìn



ngochai
21-01-2015, 01:10 PM
Vốn dòng dõi quyền quý, hấp thụ nền Nho Giáo từ tấm bé, thi sĩ họ Nguyễn được xem là một con người có tài, nhưng không gặp vận. Quả thế, ông là người đã đi vào lịch sử văn học là một nhà thơ, nhà văn, và nhà báo tiêu biểu trên bầu trời thi ca Việt đầu thế kỷ 20. Cha làm quan triều Nguyễn nên cậu ấm Hiếu đã được tập ấm (được phong quan tước do có cha làm quan) từ bé, nhưng lại không có vận phúc được làm quan như cha mình, mà lại sớm mang kiếp thi nhân với những bài thơ có tư tưởng cách tân, vượt ra ngoài lối thơ niêm luật gò bó. Người đời gọi Tản Đà là "nhà thơ ngông" có lẽ vì bút pháp của ông mang tính chất ngông nghênh, nhưng lại tiềm ẩn bên trong cả một tình yêu nước, thương nòi....

Này những ai, này những ai,
Ai có nghe rằng việc thủy tai,
Tỉnh Bắc, tỉnh Đông cùng tỉnh Thái,
Ruộng ngập nhà chìm thây chết trôi...


....lắm khi lại chứa chan buồn, hoà trong men say cho quên đi cái tình đời bạc bẽo...

Rượu say ta lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả cái đỉnh phù du

...hay có lúc tình tứ, lãng mạn, tiềm ẩn trong mấy câu cậy cảnh mà tả nổi niềm...

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?


Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá bóng chiều về tây
Chung quanh những lá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm...

Gẫm tiên sinh quả là một thi sĩ...ngông thật! Không ngông sao được với lời thơ gàn nghe mà không tài nào chịu cho thấu!

Trời sinh ra bác Tản Đà,
Quê hương thời có cửa nhà thì không....

Hôm qua chửa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào!
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ!

Mười mấy năm xưa ngọn bút lông
Sác sơ chẳng bận chút hơi đồng
Bây giờ anh đổi lông ra sắt
Cách kiếm ăn đời có nhọn không?

Ấy là "cậu ấm" nhà ta. Ấy là ông Tản Đà với túi thơ, bầu rượu, làm đệ tử lưu linh để quên trò đời mà cũng để...yêu đời. Đúng thế, ông yêu đời lắm đó chứ- yêu da diết cái tình người mưa chiều nắng sớm....


https://lysoblog.files.wordpress.com/2014/12/chc3b9a-hc6b0c6a1ng-1.jpg

"Cái bụng chán đời" và tình rau sắng...

Uống rượu với Tản Ðà được cho là một tác phẩm viết về cuộc đời của thi sĩ sớm nhất, ra đời vài tháng trước khi Tản Đà mãn phần năm 1939, của học giả Trương Tửu. Có lẽ đây là quyển sách được viết từ khía cạnh người trong cuộc, phát hoạ chân dung ông thi sĩ gàn, nhưng thiết tha với cuộc sống rõ rệt hơn bao giờ hết. Từ khía cạnh cá nhân, Trương Tửu đã gọi Tản Đà là "một tín đồ sáng suốt của Epicure...yêu hỷ lạc, yêu sống, và...yêu rượu" . Được biết, ông nấu ăn giỏi hơn cả làm thơ, viết văn, và lại có nổi khao khát sống đến cháy bỏng lắm. Thế sao hồn thơ của ông lắm lúc ai oán đến não lòng, xót dạ quá! Thực chất, cụ là ai, con người cụ thế nào mà xem ra khó hiểu thế? Chúng ta hãy thử nghe chính thi sĩ trả lời: "Ở đời, tôi tưởng nên biết thưởng thức mỗi thứ một chút và cốt nhất là phải thưởng thức cho sành, nhất là cái ăn cái uống...người ta sống được bao năm? Chẳng tiêu pha cuộc đời cho mãn ý, lúc chết hai tay buông xuôi, hối tiếc cũng bằng thừa. Tuổi xuân của con người mấy lúc mà tàn? Tôi cứ xem như tôi đây vừa dạo nào còn là một thư sinh mà bây giờ đầu đã bạc cả rồi!" Gẫm ông cũng chưa hẳn là kẻ nát rượu đến quên cả lối về, lạc mất hồn thi văn, hay như kẻ thất tình với "cái bụng chán đời" đến nổi nào đâu.

Tương truyền rằng, Tản Đà rất thích ăn rau sắng, mà đặc biệt phải là..."rau sắng chùa Hương cơ!" , thế là không năm nào ông đi trẩy hội chùa Hương, mà không được thưởng thức hương vị mộc mạc mà đầy quyến rũ của loại rau ấy. Nhưng rồi vào đầu thập niên 20, cảnh nghèo túng đã trói chân chàng thi sĩ phải bó gối ngồi nhà trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ mà rằng:

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm

Viết xong mấy vần, ông cho đăng bài thơ này trên An Nam Tạp Chí, một tờ báo do chính ông sáng lập năm 1926- cũng là tạp chí gắn liền với quảng đời làm thơ đầy sóng gió của thi nhân mà tôi sẽ nói rõ hơn sau. Cứ nghĩ rằng đăng như thế là đã xong, nên Tản Đà không mấy gì quan tâm đến nữa. Nào ngờ sau đó không lâu, ông lại nhận được một bưu phẩm từ “nhà dây thép” mà khi mở ra thì bên trong là một gói rau sắng chùa Hương còn tươi nguyên! :ym4: Bưu phẩm ấy không có tên người gửi hay địa chỉ đính kèm, mà chỉ có mầy vần thơ đáp hoạ....

Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa,
Không đi thời gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm...

(Đỗ Tang Nữ bái tặng)

Tản Đà, quá cảm kích trước tấm lòng của ai kia, nhưng thật là không biết gửi gấm tất dạ tri ân ấy vào đâu, bởi người gửi đã cố tình không ra mặt. Thế là với khối óc mộng mơ, lãng mạng, đa tình của một thi nhân, Tản Đà tự mình nghiệm ra ẩn ý của ba từ Đỗ Tang Nữ rằng: Đỗ tức người này họ Đỗ, Tang có nghĩa là cây dâu, và Nữ thì rõ ràng người này là phụ nữ. Thế có phải chăng, người này là...một cô gái hái dâu? .Và như thế, thi sĩ tự đặt tên cho người ấy là "tình nhân không quen biết", (mà trong ngôn ngữ hiện đại người ta gọi là “người tình không chân dung”) rồi làm một bài thơ đáp lễ, cho đăng tiếp lên báo. .Từ đó, cũng do vì sự tò mò của đọc giả gần xa, người ta mới lần tìm theo "vết xe đỗ, nhưng cũng không quên thêu dệt những chuyện hư hư thực thực rằng, người ấy là một nam nhân nào đó, do biết ông thi sĩ gàn này có tâm hồn lãng mạng mà cố tình trêu chọc với bút ký giả mạo(?). Thế là mãi đến khi tìm gặp được người con trai của nữ nhân ấy, người đời mới biết được rằng, Đỗ Tang Nữ chính thật là bà Đỗ Thị Khê, tức nữ thi sĩ Song Khê, người Hưng Yên, và cũng là em gái của nữ thi sĩ Tương Phố- người nổi tiếng trong phong trào "nữ lưu và văn học" thập niên 20-30, và cũng là tác giả của bài thơ Giọt Lệ Thu. Sớm chịu ảnh hưởng của chị, bà Khê là một tâm hồn thi phú, lại rất yêu thích ngòi bút Tản Đà nên thầm lặng theo dõi từng tác phẩm của ông. Đúng như dư luận đã suy đoán, bà là người có học vấn cao (bác sĩ), lại biết làm thơ. Xúc động trước nổi nhớ rau sắng mà không đến nơi được, cũng bởi cái nghèo mà ra, nên bà đã gửi tặng "thần tượng" mớ rau dân dã, đính kèm mấy câu thơ như tỏ chút đồng cảm....Sau câu chuyện rau sắng một thời gian, bà Khê chuyển ra Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) làm việc nhưng vẫn đọc An Nam Tạp Chí thường nhật. Cũng qua tờ báo này, bà biết được sự khó khăn của thi sĩ Tản Đà về mặt kinh tế, nên đã không ngần ngại dành cả một tháng lương để gửi biếu ông. :ym4: Một năm sau, bà Khê chuyển công tác xuống Hải Phòng, và cũng chính nơi đây, bà và Tản Đà đã có dịp sơ ngộ qua tài sắp xếp khéo léo, đầy bí mật của người bạn. Chỉ tiếc một điều là họ gặp nhau mà không hề biết mình đã gặp được người mình ao ước muốn gặp từ lâu- cho đến khi họ chia tay nhau thì mới được người bạn trung gian ấy tiết lộ bí mật thì người đã xa mà luyến lưu thì còn mãi! Thi sĩ Song Khê còn làm việc ở nhiều nơi, luôn cả ở Sài Gòn. Những năm tháng cuối đời, bà định cư ở Mỹ và qua đời tại đây, thọ 93 tuổi.

Rau sắng chùa Hương- vị ngọt núi rừng

Nổi ao ước được ăn rau sắng chùa Hương của thi nhân, có lẽ nếu chưa ăn qua loại rau này lần nào, thì quả thật là khó mà có ai trong chúng ta cảm được sức quyến rũ đến khơi dậy cả một trời thơ trong Tản Đà. Rau sắng chùa Hương là loại rau đặc biệt của vùng đất Phật Hương Sơn, có tên gọi khác là cây mì chính, hay cây rau ngót rừng. Tên gọi là rau nhưng rau sắng không phải loại mềm như loại rau cải bình thường, mà lại thuộc loại họ mộc, thân cao và to, chỉ mọc trên vùng núi đá vôi. Thân cây sắng cao to, có khi cao hàng chục mét, nên người ta phải trèo lên cây mới có thể hái được. Mùa đông sắng rụng hết lá, nhưng khi mưa xuân đến, núi rừng lại trở giấc thì thân cây cũng bắt đầu mọc ra những chồi non. Thế là người đi trẩy hội Xuân, do đó, cũng sẽ được khai thác đợt rau đầu mùa. Rau sắng có đặc điểm là khi nấu không cần thêm thịt để lấy vị ngọt, vì rau vốn đã có vị ngọt tự nhiên; phải chăng, chính do vì đặc điểm này mà rau sắng chùa Hương cũng đã đi vào ca dao Việt:

Ai đi trẩy hội chùa Hương,
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm,
Mớ rau sắng, quả mơ non,
Mơ chua, sắng ngọt biết còn thương chăng?


http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy/thuocdongy/anh/RauSang.gif

Rau Sắng

ngochai
21-01-2015, 01:11 PM
Tiên sinh, vậy thực chất ông là ai?

Có lẽ sẽ không quá cường điệu khi nói rằng, Tản Đà là một con ngư*ời thông minh, uyên bác Hán học, đầy cốt cách một "nhà nho tài tử", mà vận may không mỉm cười trọn vẹn với ông. Giữa buổi giao thời của văn học cổ điển và thể loại thơ mới, thi nhân đã như* vì tinh tú mới lạ, sáng chói giữa bầu trời văn ch*ương Việt trong ba thập niên đầu thế kỷ. Như tôi đã đề cập trước đây, ông có tài làm thơ, lại viết tuồng, và dịch thuật Thơ Đư*ờng rất giỏi. Các bài thơ dịch của Tản Đà được xem là những tác phẩm "vô tiền khoáng hậu" bởi nó được đánh giá và so sánh là hay hơn các bản dịch khác bởi tính chất tự nhiên, thư thái, mà như chứa đựng cả tâm hồn của chính thi sĩ trong ấy. Ông là người đầu tiên đã dịch bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, một thi sĩ thời Đường, và chính bản dịch của Tản Đà đã được nhiều người yêu thích nhất trong các bài thơ Lục Bát dịch từ thơ Đường. Ngoài thơ Đường ra, ông còn dịch những bài thơ dài như Trường Hận Ca của thi sĩ đời Đường khác, tên Bạch Cư Dị; bài thơ này ông dịch sang thể Song Thất Lục Bát, có nghĩa là bài ấy gồm 2 câu 7 chữ, 1 câu 6 chữ, và 1 câu 8 chữ, như bản dịch tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn: Chinh Phụ Ngâm...

Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt khúc mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh

Chính bản dịch bài Trường Hận Ca đã được nhiều sử gia cho là đỉnh cao nhất của văn đàn Việt Nam ở thời điểm nửa đầu thế kỷ 20. Có thể nói, đến với văn học Trung Hoa âu cũng là một sự tình cờ mà lại hữu duyên đối với tiên sinh, bởi theo tác phẩm Giấc Mộng Lớn, quyển tự truyện của ông viết đầu thập niên 30, cũng là quyển tự truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, ông đã thuật rằng sau khi thi rớt cả hai khóa ở Nam Định, ông có dịp được đọc các tân thư Trung Hoa, và...."Ngoài sự làm văn thơ, chỉ mê thiết xem các thứ nhật trình Tàu. Cảnh ngộ vô tình mà cái cơ duyên báo chí sau này cũng phát đoan từ đấy...". Cũng trong tác phẩm này, ông tỏ ra rất ái mộ và dành niềm kính phục sâu sắc cho người đã dìu dắt ông vào con đường văn chương- chính tri huyện Nguyễn Thiện Kế, người anh rể của thi nhân sau này. Như chúng ta cũng đã biết qua, ông Kế là một thi sĩ trào phúng, thường làm thơ đả kích thẳng thắng bọn quan lại cao cấp, mà ông cho là "tay sai của Pháp". Do vậy mà thi sĩ Tản Đà đã rất kính phục tài văn chương của quan huyện Nguyễn Thiện Kế, và gọi ông ta là đại thi hào. Ông cũng ghi nhận ảnh hưởng của nhà thơ này đối với mình rằng: "Cái sinh nhai quốc văn của mình có hay hơn mười năm nay, thực từ trong lúc thanh niên, có quan huyện Nguyễn Thiện Kế, phát đoan, dẫn đạo". Có lẽ cũng chính qua học hỏi từ người anh rể này mà thi sĩ họ Nguyễn đã không hề bóng gió xa xôi khi hạ bút đả kích bọn quan lại bất lương, những tầng lớp vô liêm sỉ:

Cũng phường dối nước quân ăn cắp,
Cũng lũ tàn dân giống hại đàn!

Hay:

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn,
Mặt sắt còn bia miệng thế gian,
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn,
Cho nên quân nó dễ làm quan...


Mặt khác, thi nhân còn có tài sáng tác thơ dựa trên từ, khúc- đại khái đây là một hình thức âm nhạc của Trung Hoa, xuất phát từ văn chương Trung Hoa cổ mà thơ Đường thường dùng đến. Các học giả cho răng, khi Tản Đà đến với thể loại thơ "hát nói", thì hình như ông đã trở về với "chiếc nôi sáng tạo" của mình, bởi nếu chúng ta nhớ lại thì mẹ của ông vốn đã là một ca nương nổi tiếng một thời.

Một thời để quên rồi ghi nhớ mãi...

Thời "vàng son" của thi nhân có thể nói là từ khoảng đầu thế kỷ 20 cho đến đầu thập niên 20. Đây là lúc quyển sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, tạo tiếng vang lớn, chính tập thơ Khối Tình Con 1. Tuy nhiên, thời gian ông thất tình rồi về Ấp Cổ Ðằng của Huyện Nẻ để cứ vô tư mà "...ba hôm không ăn, trong bụng hư không lại một phen say rượu mê ly, thành ra từ đấy về sau khác hẳn từ đấy về trước....người không biết vui không biết buồn, chỉ cứ mỗi ngày một bữa rượu..." để cứ thế mà mặc thế sự. Người ta cứ nghĩ ông đã thực sự trở thành một "đệ tử lưu linh" lãng phí cuộc đời đến chán chường, tuyệt vọng- nhưng không! Chính trong con người ngập chìm men rượu ấy lại cháy lên một niềm khát khao hưởng thụ hơn bao giờ hết..."Tớ còn chơi! Ðời chưa chán tớ, tớ còn chơi!" Và thế là...

Thế sự nhất phù vân chi cảnh
Những ai mê ai tỉnh đã ai ai?
Khéo vô đoan khóc hão lại thương hoài
Thú trần giới có ăn chơi là bực nhất…


Năm 1926, Tản Đà sáng lập ra An Nam Tạp Chí, mà như tôi đã nói trên đây, là một tờ báo đánh dấu quảng đời đầy sóng gió trong sự nghiệp thi ca của ông. Thoạt đầu, khi mới vừa sáng lập tạp chí ấy, thi nhân vẫn còn dư dã nên thường đi du ngoạn đó đây. Ông vừa làm báo, lại vừa ngao du, nên dần dần, ông lâm cảnh túng quẫn khiến nên những chuyến đi trở thành những dịp để... trốn nợ hay chỉ để giải sầu, hoặc đi tìm người tài trợ cho toà soạn. Mặt khác, cũng trong thời điểm này, Tản Đà viết nhiều hơn trước, và tác phẩm bất hủ Thề Non Nước cũng đã ra đời trong giai đoạn này. Đầu thập niên 30, khi phong trào Thơ Mới nổi lên thì tạp chí của ông cũng chính thức bị khai tử. Cũng trong giai đoạn này, các nhà thơ thuộc dòng Thơ Mới đã không tiếc lời kích bác, chế nhạo ông qua mấy lời thơ khó chịu- trong đó có cả ông Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, người đã viết bài "Trời đầy Nguyễn Khắc Hiếu" để trêu chọc rằng, Tản Đà ngâm thơ vang tới trời, Trời giận quá chửi "cái thằng tiên ranh", rồi Trời hỏi các tiên nên bắt Tản Đà chịu hình phạt gì, thì các ông bèn thưa:

"Tội nặng nhất trần gian
Là bắt anh Khắc Hiếu
Làm tạp chí An Nam..."

Có thể nói, do vì là chiếc cầu bắt ngang, nối liền sự chuyển mình từ cũ sang mới trong thi ca văn học, nên Nguyễn tiên sinh đã nhận không biết bao nhiêu là sự chê bai, dè bỉu, và tìm cách xô ngả bức tranh đẹp trong lòng người hâm mộ ông thời ấy. Có lẽ, nhóm Tự Lực Văn Đoàn là những người xông xáo nhất để chỉ trích Tản Đà từ tính nghiện rượu, nói nhiều lúc say, cho đến....chiếc mũi ửng đỏ của Tản Đà cũng bị mang ra làm đề tài để chế nhạo không thương tiếc!

Với sức lôi cuốn của cơn sóng thần Thơ Mới, thi sĩ Tản Đà mất dần chổ đứng và bị lùi vào bóng tối lãng quên hoàn toàn. Không còn khả năng hái ra tiền bằng ngòi bút của mình, ông bắt đầu làm đủ thứ nghề để mưu sinh- luôn cả bói toán. Oái oăm thay, ở những năm tháng cuối đời ông thì những người trước kia đã từng ghét cay ghét đắng thi nhân lại trở lại để tôn vinh ông là "vị Thánh làng thơ"! Phải, ông chính là Thánh của những tâm hồn phóng khoán, thích mở rộng, và có trí tưởng tượng rất phong phú. Thứ nữa, văn xuôi của Tản Đà bằng một lối viết giàu tính nghệ thuật, sáng tạo, mới mẻ, mà không kém phần táo bạo, phải chăng đã khai mở lối đi cho phong trào Thơ Mới- chính cái phong trào mà người trong cuộc, thay vì biết ơn người tiên phong, lại góp phần đưa bậc tiền bối đến giai đoạn nghiệt ngã ở cuối cuộc đời!

Tháng 6, 1939, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh gan, thi nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà nát ở Hà Nội, hưởng dương 51 tuổi. Ngay sau khi ông nằm xuống thì lại có hàng loạt tác phẩm được viết để tôn vinh ông. Thiết nghĩ, đời thi nhân bạc bẽo đến thế sao? Xin kết lại bài viết tóm tắt về cuộc đời và sự nghiệp của tiên sinh bằng mấy câu thơ mà chính "người tình không chân dung" năm nào đã viết sau khi ông qua đời:

Tuổi vô dụng giục người tóc bạc,
Trận phong sương đồn rã cuộc trăm năm,
Vèo trông lá rụng đầy sân,
Công danh phù thế có ngần ấy thôi!

(Kính bút: Song Khê - Người Rau Sắng)

(st)

ngochai
21-01-2015, 01:32 PM
Tham khảo - Y Học Cổ Truyền Dân Tộc: Rau sắng

Rau sắng, Rau ngót núi, Ngót rừng - Melientha suavis Pierre, thuộc họ Sơn cam - Opiliaceae.


http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy/thuocdongy/anh/RauSang.gif

Mô tả: Cây gỗ nhỏ cao 4-8m, nhẵn; các cành mảnh ở ngọn cây, vỏ màu lục, khi già có màu lốm đốm trắng và hoá bầu. Lá mọc so le, hình ngọn giáo, thu hẹp tù lại cả hai đầu, rất nhẵn, dày, dài 7-12cm, rộng 3-6cm, gân phụ 4-5 đôi, mảnh, cuống lá 4-5mm. Cụm hoa ở bên, nằm ở nách của một lá đã rụng hình chuỳ phân nhánh và mảnh gồm có một cuống dài 13cm, với các nhánh dài 4cm. Hoa đơn tính, cao 2mm, rất thơm. Quả gần như nạc, thuôn hay hình trứng, dài 25mm, rộng 17mm, khi chín màu vàng có hạch cứng chứa một hạt.

Ra hoa tháng 4.

Bộ phận dùng: Lá, rễ - Folium et Radix Melienthae Suavis.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở các nước Ðông Dương. Ở nước ta, rau sắng mọc phổ biến ở rừng ven suối, ven núi đá ở nhiều tỉnh phía Bắc Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Tây, Sơn La, Lai Châu. Ở miền Nam chỉ mới biết có ở rừng của núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thành phần hoá học: Trong rau sắng có 82,4% nước, 5-5-6,5% protid, 5,3-5,5% glucid, 2,2% cellulose, có đủ các loại amino acid cần thiết cho cơ thể như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin và isoleucin.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường lấy lá non, lá bánh tẻ, hoa, quả non xào hay nấu canh ăn. Có thể nấu canh với thịt nhưng cũng có thể nấu canh suông, bát canh vẫn ngon ngọt, đậm đà. Lá rau sắng nấu canh tuy đã ngon, nhưng khi có thêm những chồi nụ vàng như hoa ngâu thì canh có đầy đủ hương vị bùi, thơm, ngon ngọt và dịu mát.

Hạt cũng ăn được, có vị béo, ngọt.

Rễ được sử dụng chữa sán

(theo Lê Kin Biên, Tập san Sinh vật Ðịa học số 11-1973)