PDA

View Full Version : Võ Lâm Chí Tôn



backieuphong
27-11-2015, 11:28 AM
Võ Lâm Chí Tôn

1. Hoàng Phi Hồng & Tuyệt chiêu Vô Ảnh Cước

http://thaicucthieugia.com/images/stories/lo_go_baochi/tin%20tc%20tng%20hp.png
Thứ Sáu, ngày 27/11/2015 10:05 AM (GMT+7)

Hoàng Phi Hồng sinh ngày 9 tháng 7 năm Đạo Quang thứ hai mươi bảy (1847) là một đại võ sư của nền võ thuật Trung Quốc thời Thanh mạt. Phi Hồng sinh ở làng Lộc Đan, núi Tây Triều, thuộc phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Ông còn là một danh y với hiệu thuốc Bảo Chi Lâm nổi tiếng tại Phật Sơn (Quảng Đông). Phi Hồng được gọi là Mãnh hổ Quảng Đông nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông là một trong Quảng Đông thập hổ.

Vô ảnh cước: Vô ảnh cước được cho là một tuyệt kỹ “đặc sản” của Hoàng Phi Hồng. Ngay cả tên gọi Vô ảnh cước cũng đã khiến rất nhiều người bán tín, bán nghi về mức độ “vô ảnh, vô hình” của đòn thế này. Cái tên Vô ảnh cước khiến cho người ta liên tưởng đến đòn đá nhanh đến mức “vô ảnh vô tông" (đến không hình, đi không ảnh), hoặc là thực hiện các đòn đá khi bay người lên không trung, rất đẹp mắt. Nhưng trên thực tế, đây không hề là đòn đá đẹp để biểu diễn, trái lại đó là một đòn cước ẩn rất hiểm, đòi hỏi người sử dụng cần một kĩ thuật vô cùng thâm hậu và chuẩn xác.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Vo_lam/cao_thu/v%20nh%20cc.jpg
Các thế của Vô ảnh cước.

Gọi đây là độc chiêu thì cũng không ngoa vì thật sự rất nhanh và có thể hạ gục đối thủ trong tích tắc bởi chiêu này thường chỉ đánh vào hạ bộ hoặc một số huyệt đạo nguy hiểm trên cơ thể, rất dễ gây đến tử vong cho đối phương.

Theo võ sư Dư Chí Vĩ, truyền nhân đời thứ ba của Hoàng Phi Hồng thì Vô ảnh cước là do Hoàng Phi Hồng học từ Hồng Đông Huy. Bù lại, ông phải truyền lại cho Huy bài Hổ hạc song hình quyền và Cung tự phục hổ quyền. Quyền pháp Thiếu Lâm Nam phái vốn chú trọng đòn tay mà xem nhẹ đòn chân, Hoàng Phi Hồng đã đổi mới, thêm đòn chân vào, thay đổi quan niệm “Quyền nam cước bắc”. Riêng tuyệt chiêu Vô ảnh cước, Hoàng Phi Hồng chỉ truyền cho 3 đại đệ tử là Lương Khoan, Trần Điện Tiêu và Lâm Thế Vinh. Lâm Thế Vinh chính là sư phụ của Dư Chí Vĩ và truyền lại tuyệt chiêu này cho ông.

Dư Chí Vĩ nói rằng Vô ảnh cước chính tông không giống như trong phim, bay lên không đá liên tục mấy chục cước, rất mãn nhãn. Vô ảnh cước thực ra là môn công phu rất thực tế, vững chắc, không đẹp mắt, thậm chí còn “xấu xí” nhưng lại rất hiệu quả. Cũng theo vị võ sư này, Vô ảnh cước không phải là một đòn đá riêng lẻ mà là cả một hệ thống cước pháp có thể ứng phó ở mọi góc độ.

Nguyên tắc của Vô ảnh cước là “dương đông kích tây”, “hù trên đánh dưới”, “dĩ tốc chế địch” (lấy sự mau lẹ để khống chế địch thủ), dụ địch sơ hở là phóng cước ngay và thu về trong nháy mắt. Muốn làm được như thế thì yêu cầu cước pháp phải đủ 4 yếu tố: khoái (nhanh), mãnh (mạnh), trầm (thấp), ổn (vững). Thường áp dụng nhất là dùng đòn tay nhá phía trên nhử đòn rồi bất ngờ phóng cước vào hạ bộ. Vô ảnh cước sử dụng cả vòng 360 độ. Mỗi góc độ đều có phương án ứng địch và sử dụng đòn chân. Chẳng hạn khi đứng chân phải trước chân trái sau, ở phương vị đó nếu địch tấn công từ phía sau thì dùng Vô ảnh cước như thế nào, phía trước, bên phải, bên trái… đều có cách ứng phó hiệu quả. Vô ảnh cước nổi tiếng và được nhiều người biết đến đó chính là do Hoàng Phi Hồng đưa thêm vào những đòn đá thực dụng vào, chứ không phải là phải đá lia lịa như phim ảnh vẫn làm.

Võ sư Lý Xán Hoa, hội trưởng Học hội thể dục Bảo Chi Lâm Hồng Kông, rất đồng tình về cách lý giải Vô ảnh cước của Dư Chí Vĩ. Xung quanh Vô ảnh cước cũng có rất nhiều câu chuyện đặc biệt.

Tương truyền: Có lần, Hoàng Phi Hồng đặt chân đến Hồng Kông, gặp lại môn đồ Lục Chính Cương và được mời đến võ đường của Lục Chính Cương tham quan. Thời gian ở đây do bất bình trước cảnh một người cô thế bị uy hiếp, Hoàng Phi Hồng ra tay can ngăn và bị một đám đông có vũ khí bao vây. Trong thế bị dồn ép, Hoàng Phi Hồng đã dùng Vô ảnh cước một mình đánh bại cả chục người. Sau đó Hoàng Phi Hồng bị triều đình truy nã, phải chạy trốn. Về sau Lục Chính Cương tìm đến nơi trú ẩn của Hoàng sư phụ, kể lại chuyện người phương Tây đem chó berger đến khiêu chiến và nhiều nhà sư bị chó dữ tấn công. Hoàng Phi Hồng đùng đùng nổi giận lập tức đến Hương Giang… Đối diện với một con chó rất to lớn và hung dữ, ông dùng tay điểm nhử phía trên, một cước tung vào hạ âm con chó, đồng thời một tay đánh vào sống mõm khiến chó chết tươi. Hoàng sư phụ sáng chế chiêu này gọi là “Hầu hình quải cước”, đưa vào trong hệ thống cước pháp “Vô ảnh cước”.

Trong suốt võ nghiệp, dấu chân của “mãnh hổ” Hoàng Phi Hồng đã đi khắp nơi và cũng từng giao đấu với rất nhiều người và đều giành chiến thắng. Nhờ khả năng võ thuật siêu đẳng, Hoàng Phi Hồng được chọn làm trưởng ban huấn luyện võ thuật kiêm phụ trách trị thương cho binh lính. Về sau ông cũng là thành viên nổi bật trong phong trào kháng Nhật.

Cho tới ngày nay, rất ít tài liệu mô tả về các trận chiến của Hoàng Phi Hồng trên võ đài. Tuy nhiên tuyệt kỹ Vô ảnh cước vẫn luôn được gắn liền với tên tuổi của ông và cũng là một trong những “độc chiêu” nổi tiếng của võ thuật Trung Hoa.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Vo_lam/cao_thu/hong%20phi%20hng.jpg
Chân dung Hoàng Phi Hồng

Theo lời kể của sư mẫu Mạc Quế Lan, người vợ cuối cùng của Hoàng Phi Hồng khi nói về Vô ảnh cước: “Đòn đá của Vô ảnh cước nhanh như tia chớp”. Sư mẫu Mạc Quế Lan đã học và tinh thông đòn thế này, nhưng bà từ chối dạy cho bất cứ ai khác bởi vì chỗ tấn công của đòn này là vào ngay háng và có thể giết chết người bị tấn công ngay lập tức. “Nếu được sử dụng nó sẽ giết người ngay” – sư mẫu Mạc Quế Lan nhận xét.

Việc Hoàng Phi Hồng đưa Vô ảnh cước lên tầm cao mới và được nhiều người biết đến đó chính là do ông đưa thêm vào những đòn đá thực dụng vào Vô ảnh cước. Điều này hoàn toàn khác hẳn so với lối suy nghĩ của Hồng Đông Huy, là phải đá làm người khác không biết đâu hư, đâu là thực. Do đó Vô ảnh cước của Hoàng Phi Hồng hoàn toàn làm run sợ trước bất cứ ai thách đấu.

Theo TVC

backieuphong
27-11-2015, 12:17 PM
2. Hoắc Nguyên Giáp & Tuyệt kỹ Mê tung quyền

Hoắc Nguyên Giáp (1868-1910) là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Nhắc tới võ công của ông, người ta sẽ nghĩ ngay tới tuyệt kỹ Mê tung quyền, là sự kết hợp hoàn hảo những đỉnh cao công phu của võ Thiếu Lâm và Võ Đang phái. “Mê” có nghĩa là “biến ảo”, “tung” nghĩa là dấu vết hoặc dấu chân, nên Mê tung quyền có thể tạm hiểu là “những bước chân kỳ ảo”.

Theo một số tài liệu, tuyệt kỹ này được ra đời từ thời nhà Tống (tương truyền do nhân vật Yến Thanh trong tác phẩm Thủy Hử sáng lập).


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Vo_lam/cao_thu/hc%20nguyn%20gip.jpg
Chân dung Hoắc Nguyên Giáp.

Đặc điểm của Mê tung quyền là nhẹ nhàng mau lẹ, thi triển phiêu dật, rất nhàn nhã, trọng công phu trọng khéo léo, đủ cả cương nhu. Về thủ pháp thì chủ yếu là móc, ôm, ngắt, vuốt, bọc, vồ, gác, ép, chú trọng kỹ pháp cầm nã.

Về thoái pháp (bộ pháp: tấn pháp - cước pháp) chủ yếu là đá, điểm, móc, treo, quấn, quét, cắt, hất cả đến khều âm cước xé giữa hai chân, liên hoàn dậm, tránh chân (đóa tử cước) biểu thị yêu cầu tập trung vào một điểm mà đề cập tới cả tám phương.

Môn quyền này về cơ bản được tích hợp giữa phong cách của các loại quyền thuật Bắc Thiếu Lâm pha trộn với phong cách quyền thuật của Đạo gia như Nội gia quyền và Bát Quái chưởng.

Về thân pháp thì lấy giấu, né, vặn, lắc làm chính (tàng, thiểm, ninh, đẩu), còn bộ pháp thì lấy nhảy dọc, bắt lén (tung, khiêu, thâu, móc) làm chính.
Mê tung quyền rất coi trọng đòn chân. Trong các bài dùng khuỷu với động tác chân và vọt lật, trong thực sự thì chú trọng mượn thế thuận sức, ra (đòn) lúc không để ý.

Mê tung quyền tuy nghiêm ngặt về kỹ thuật mà vẫn chuyên chú tính uyển chuyển của Bắc Thiếu Lâm và phong thái tiêu diêu nhàn nhã của Đạo gia. Trong lịch sử võ thuật Trung Hoa, cha của Hoắc Nguyên Giáp là võ sư danh tiếng Hoắc Ân Đệ chính là người từng truyền dạy Mê tung quyền. Nhưng mỗi khi nhắc tới tuyệt kỹ đỉnh cao này thì người ta lại nhắc tới Hoắc Nguyên Giáp chứ không phải là cha của ông. Tại sao lại như vậy? Bởi đơn giản, Hoắc Nguyên Giáp chính là người đã đưa Mê tung quyền lên tới đỉnh cao kết hợp giữa võ thuật và nghệ thuật, biến nó trở thành thứ vũ khí vô cùng lợi hại để đánh bại rất nhiều cao thủ trong nước và nước ngoài để làm rạng danh võ thuật Trung Hoa. Sau khi Hoắc Nguyên Giáp qua đời thì các thế hệ hậu bối cũng không ai vượt qua được ông trong việc vận dụng thứ võ công tuyệt đỉnh này.

Theo nhiều nhà nghiên cứu về võ thuật, trong bộ phim Hoắc Nguyên Giáp do diễn viên Lý Liên Kiệt thủ vai chính, mặc dù diễn viên này đã thi triển những màn võ công rất đẹp mắt nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để diễn tả hết tinh hoa của Mê tung quyền.

Lén luyện võ 12 năm mà không ai hay biết

Hoắc Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nổi danh võ thuật. Cha ông là Hoắc Ân Đệ kế thừa “Mê tung quyền” gia truyền của tổ tiên, rất giỏi võ nghệ.
Dù nghề nông là kế sinh nhai chính của gia đình, nhưng Hoắc Ân Đệ với bản lĩnh võ thuật của mình vẫn thi thoảng nhận bảo tiêu những chuyến hàng buôn của khách từ Hà Bắc đến Mãn Châu. Khi Nguyên Giáp còn nhỏ, bản tính hiền lành, thân thể gầy yếu, bình thường luôn bị bọn trẻ trong xóm coi thường. Cho rằng ông tính tình nhu nhược, thể chất kém, thường bị bệnh hen suyễn mãn tính và sốt vàng da nên phụ thân thường hạn chế ông tập luyện võ thuật. Nhưng bản tính đam mê võ thuật, Nguyên Giáp vẫn thường xuyên bí mật theo dõi các buổi dạy của cha mình và kiên trì khổ luyện một mình, bất chấp thể tạng bệnh tật đau yếu. Mỗi khi cha và các sư huynh luyện quyền, ông vẫn lén lút trèo tường, ẩn nấp quan sát tỷ mỉ và ghi nhớ từng chiêu từng thức. Sau đó lại lén ra vườn táo sau nhà luyện tập lại.

Cứ âm thầm khổ luyện như vậy suốt 12 năm, Nguyên Giáp đã đạt trình độ võ công rất cao nhưng gia đình không một ai hay biết. Cho tới một ngày, có một danh sư họ Đỗ đến nhà họ Hoắc xin thỉnh giáo Mê tung quyền. Hoắc Ân Đệ sai người anh Nguyên Giáp là Nguyên Khanh đấu với khách, nhưng chỉ sau một hiệp đã bị đả thương rớt đài. Lập tức, Nguyên Giáp xin cha cho đấu thử. Khi cha còn đang nghi hoặc nhìn ông thì Nguyên Giáp đã bay vọt lên sàn đấu. Thấy trước mặt mình là một thanh niên mảnh khảnh, người khách thầm cười, ý coi thường. Lâm trận, ông vô cùng bất ngờ với những đòn quyền cước mau lẹ đến mờ ảo, kình lực phát ra vô cùng mạnh mẽ.

Đấu đến hơn mười hiệp, bất ngờ thấy ông tung cả người lên không, lộn một vòng. Vị khách chưa kịp định thần đã thấy người ông lộn xuống, dùng hai chân với chiêu “Song long cước” đá bắn đối thủ văng xa mấy trượng, ngưòi kia lấy sức bò dậy, chấp nhận xin thua. Chứng kiến màn tỉ thí, Hoắc Ân Đệ và những người có mặt đã vô cùng ngỡ ngàng. Tới lúc đó, Nguyên Giáp mới kể lại chuyện 12 năm tự khổ công rèn luyện Mê tung quyền ngoài vườn táo khiến cha và sư huynh vô cùng kinh ngạc và thán phục. Từ đó, Hoắc Ân Đệ mới đem hết sở học gia truyền để truyền dạy cho con. Dù vậy, nhưng Nguyên Giáp còn nghiên cứu thêm thuật thổ nạp khí công, học hỏi những chỗ mạnh của các danh sư võ thuật khắp nơi. Về sau này, công phu của ông đạt đến ngưỡng tuyệt đỉnh, “đánh khẽ vào thì thân thể nhũn như bông”, nếu đánh mạnh thì “thân thể rắn như sắt”. Danh tiếng của Nguyên Giáp ngày càng vang xa khi ông đả bại toàn bộ các võ sư khắp nơi đến tỉ thí khi còn rất trẻ.

Những trận chiến chấn động giang hồ và cái chết bí ẩn

Cũng như cha mình, Hoắc cũng bắt đầu tham gia vào nghề bảo tiêu và càng nổi danh hơn khi nhiều lần đánh bại các toán cướp hàng. Thời gian sau đó, Nguyên Giáp cũng mở võ đường và có rất nhiều võ sĩ từ khắp nơi đã đến để thách đấu. Tuy nhiên không một đối thủ nào có thể chịu đựng được nổi những pha ra đòn quá nhanh và biến ảo của Hoắc. Thậm chí có những lần Nguyên Giáp còn “chấp” cả hàng chục võ sĩ bước lên võ đài thi đấu, tuy nhiên tất cả đều lần lượt phải gục ngã trong sự thán phục. Trong một thời gian ngắn, Hoắc Nguyên Giáp trở thành võ sĩ không có đối thủ, được mọi người gọi là "Đệ nhất Thiên Tân".

Trong những năm cuối thế kỷ 19, thành phố Thiên Tân thời đó đang bị các nước đế quốc phân chia thành các khu tô giới. Các võ sĩ phương Tây, Nhật Bản cũng thừa dịp đứng ra thách đấu với các võ sư người Hoa và đa số giành chiến thắng. Một lần, Nguyên Giáp nghe nói có một người Nga là Solineron tự xưng là “Đại lực sĩ bậc nhất thế giới”, đã giương bốn chữ "Đông Á bệnh phu" (Người bệnh Đông Á) nhằm chế nhạo các võ sĩ cũng như người Hoa.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/Vo_lam/cao_thu/ong%20%20bnh%20phu%202.jpg

Ông rất phẫn nộ, đi thẳng tới võ đài xin được giao đấu. Trước một con người nhỏ bé, võ sĩ phương Tây vốn to lớn hơn rất nhiều đã tỏ ra rất chủ quan. Nhưng Nguyên Giáp đã làm cho đối thủ và rất đông khán giả phải bất ngờ. Sau khi bị đối phương cậy sức dồn ép với không ít cú đấm và bị quật ngã xuống sàn, Nguyên Giáp lấy hết sức mình tung một đòn cước Mê tung hiểm hóc, đá văng đối thủ to lớn bay ra khỏi sàn đấu. Sau đó, võ sĩ phương Tây cố gắng gượng dậy để… giơ đôi tay của Nguyên Giáp lên cao, tuyên bố chiến thắng thuộc về đối thủ.

Vào năm 1909, có võ sĩ người Anh tên Aopian tới Thượng Hải, kiêu căng đăng tin trên báo muốn thách đấu võ với người Hoa, Nguyên Giáp lại phải ra mặt. Nghe đến tên ông, Aopian đã ngấm ngầm muốn bỏ cuộc, nên cuộc đàm phán đã kéo dài cả tháng sau hàng chục lần thay đổi phương thức giao đấu. Cuối cùng, địa điểm cuộc đấu võ được cũng được chốt, nhưng đến ngày thi đấu thì Aopian đã bí mật rời Thượng Hải. Hàng ngàn người đến xem “đả lôi đài” đã rất tức giận. Nhưng sau đó, họ được hả hê, mãn nhãn khi chứng kiến thầy trò Hoắc Nguyên Giáp biến cuộc đấu bất thành sang một buổi biểu diễn võ thuật. Sau khi khiến các võ sĩ phương Tây khiếp sợ, Hoắc Nguyên Giáp còn đánh bại thêm nhiều cao thủ đến từ Nhật Bản nữa.

Năm 1909, ông liên kết với một số võ sư người Hoa thành lập Hội Võ thuật Tinh Võ (Tinh Võ Môn) nhằm quảng bá võ thuật và được thanh thiếu niên Trung Hoa nhiệt tình hưởng ứng. Nhưng chỉ 1 năm sau (1910), Hoắc Nguyên Giáp bất ngờ qua đời tại một bệnh viện tại Thượng Hải. Cho tới ngày nay, nguyên nhân cái chết của ông (do bệnh tật hay bị ám sát…) vẫn còn là một dấu hỏi. Sau khi ông mất, Tinh Võ Thể Dục Hội vẫn tiếp tục phát triển một cách rộng rãi và trở thành cơ sở đầu tiên trong lịch sử võ thuật Trung Hoa phổ biến võ thuật tới đại chúng, không chỉ phát triển trong nước mà còn lan sang khắp khu vực.

Theo Internet