PDA

View Full Version : Cuộc đời thăng trầm của những nhạc sĩ tài hoa...



nhan_voky
25-11-2017, 09:35 AM
Cuộc đời thăng trầm của những nhạc sĩ viết nhạc "sến"

Những nhạc sĩ góp phần làm nên nhiều tác phẩm ấn tượng của dòng nhạc này, không hiếm người phải trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc đời. Những người đã nằm xuống, phần lớn đều chịu cảnh cô đơn, nghèo khó trong những năm tháng cuối đời.

Nhạc sến (còn gọi là "nhạc vàng") là tên gọi dòng tân nhạc Việt Nam ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ trước với lời ca trữ tình bình dân được viết trên những giai điệu nhẹ nhàng (bolero, rumba, ballade...). Đặc trưng của dòng nhạc này là lời ca giản dị, câu nhạc dễ nghe, chất chứa nỗi niềm của phần đông tầng lớp lao động bình dân trong xã hội.

Trong gần 5 thập kỷ tồn tại, dòng nhạc này đã để lại nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng độc giả như "Hoa mười giờ", "Chuyện tình cô đơn” (Đài Phương Trang), "Tình lỡ" (Thanh Bình), "Đôi mắt người xưa" (Trúc Phương), "Nhẫn cỏ trao em" (Vinh Sử), "Tình bơ vơ", "Trăm nhớ ngàn thương" (Lam Phương), "Sầu tím thiệp hồng", "Về đâu mái tóc người thương" (Hoài Linh), "Giọt lệ đài trang" (Châu Kỳ)…

Tác giả ca khúc "Tình lỡ", nhạc sĩ Thanh Bình đã giã từ cõi đời hồi tháng 5/2014. Sinh thời, ông là một người tài hoa, để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh nét tài hoa, Thanh Bình được biết đến là nhạc sĩ tiêu biểu cho chữ "phận bạc" khi nói về đời nghệ sĩ.

Trải qua ba đời vợ, làm đủ công việc để sinh sống, từ viết nhạc, viết văn, viết báo đến bán xăng, bán cơm, chăn nuôi… để mưu sinh. Cuối đời, nhạc sĩ rơi vào cảnh trắng tay, cô đơn rồi ra đi trong nỗi khắc khoải không gặp được con gái duy nhất. Khi con gái dính vào vòng lao lý, nhạc sĩ Thanh Bình sống lang thang tại bến xe miền Đông với tài sản duy nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ và bọc nilon đựng quần áo, tư trang.

Ngay cả khi chết, ông vẫn phải nương nhờ vào lòng hảo tâm của các tổ chức thiện nguyện khi những người thân không đủ tiền lo tang ma. Ca sĩ Ánh Tuyết cho rằng, không chỉ nghèo khó, cô quạnh, nhạc sĩ Thanh Bình còn chịu đựng đủ các chứng bệnh nguy nan như cao huyết áp, lao phổi và chứng nghễnh ngãng tuổi già.

Giống như Thanh Bình, Trúc Phương là nhạc sĩ để lại nhiều bản tình ca chạm đến nỗi lòng sâu kín của nhiều thế hệ người Việt. Trong âm nhạc, ông tài hoa bao nhiêu, đời sống lại trải qua quá nhiều bất hạnh và đau thương bấy nhiêu. Sinh thời, nhạc sĩ sống trong nghèo khó, đặc biệt là vào thời kỳ "nhạc vàng" lắng xuống. Ông từng làm đủ nghề để sinh sống, lấy vỉa hè làm nhà, bạn bè làm người thân thích.

Nhạc sĩ từng tâm sự về hoàn cảnh khốn khó của mình: "Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát"… Cuộc sống bấp bênh cùng sự hành hạ của bệnh tật đã khiến Trúc Phương sống một đời sống buồn tẻ cho đến những ngày cuối đời.

"Anh đã đến trong cuộc đời này, để lại bao kỷ niệm nhẹ nhàng qua nhiều nhạc phẩm chất chứa ân tình, rồi lặng lẽ ra đi âm thầm thật cô đơn. Tôi đã mất anh, nhưng tôi sẽ không bao giờ mất đi những kỷ niệm giữa anh và tôi, cũng như bao lời ca tôi đã thuộc nằm lòng", ca sĩ Thanh Thúy viết trên trang cá nhân.

Hoài Linh được coi là nhạc sĩ hiếm hoi của dòng "nhạc vàng" có đời sống vật chất thoải mái nhờ sáng tác. Rồi ông cũng trở nên trắng tay sau năm 1995 khi bị bại liệt do di chứng của tai biến mạch máu não. Nhạc sĩ ra đi trong cảnh nghèo khó, bệnh tật trước khi tấm lòng hảo tâm của đồng nghiệp và khán giả đến được với ông.

Ngoài Thanh Bình, Trúc Phương, Hoài Linh, tác giả ca khúc "Hoa sứ nhà nàng", nhạc sĩ Hoàng Phương cũng ra đi trong tận cùng nghèo khó khi bỏ lại sau lưng một sự nghiệp khá giả để chung sống với người tình trẻ kém con trai mình đến hai giáp. "Làm nghệ sỹ thực thụ có khi nào giàu có, tài sản quý giá nhất của họ là âm nhạc. Đó cũng là điều khiến họ sống mãi trong lòng người hâm mộ", khán giả Trần Thu bày tỏ tình cảm trước sự ra đi trong khốn khó, cô đơn của nhiều nhạc sĩ.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/VHNT/nhc%20s%20hong%20phng.jpg
Vợ và con của nhạc sĩ Hoàng Phương trước ngôi nhà tồi tàn.

Những người còn sống, ngoài Mặc Thế Nhân, Đài Phương Trang, Bảo Thu… không phải ai cũng may mắn có cuộc sống yên bình. Vinh Sử được coi là "vua nhạc sến" với những bản boléro thất tình, buồn hiu hắt như "Nhẫn cỏ cho em", "Sầu tím thiệp hồng", "Người phu kéo mo cau", "Hai bàn tay trắng"…Thời cực thịnh, ông từng có một cuộc sống xa hoa, giàu có khi mỗi nhạc phẩm của ông trị giá hai chiếc xe hơi đời mới.

Vốn bản tính đào hoa, nghệ sĩ, ông từng trải qua nhiều đời vợ, có nhiều con và tiêu tiền không tiếc tay cho những bữa tiệc. Ở tuổi ngoài 70, khi tiền bạc tiêu tán vì bệnh tật, ông chỉ có duy nhất một người phụ nữ bên cạnh chăm lo. Hiện tại, nhạc sĩ phải chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng trong một căn phòng trọ chật hẹp tại một xóm lao động nghèo thuộc quận 7, TP.HCM.

"Vinh Sử từng có rất nhiều nhà lầu, xe hơi nhờ tiền tác quyền từ việc sáng tác. Tính đào hoa khiến bao nhiêu tài sản của Vinh Sử bị rơi hết vào tay phụ nữ. Thành ra, cuối đời bệnh tật, nghèo túng", đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp khi nói về nhạc sĩ Vinh Sử.

Nếu như Vinh Sử nhận được sự quan tâm, trợ giúp của đông đảo khán giả ái mộ và đồng nghiệp về vật chất và tinh thần thì nhạc sĩ Lê Duyên nhiều năm nay sống âm thầm trong căn nhà nhỏ, toàn tâm chăm sóc người vợ mắc bệnh mất trí nhớ. Lê Duyên nổi tiếng trong nhóm nhạc Khánh Băng - Phùng Trọng khi xưa với khả năng chơi đàn mandolin. Ông cũng là tác giả của nhiều bài hát như "Chiều buồn", "Dưới ánh trăng rừng" (viết cùng Tùng Lâm, Hiếu Nghĩa), "Nắng đẹp rừng chiều", "Trăng quê"... trong số đó tình khúc "Âm thầm" (Hãng đĩa Asia với tiếng hát Tuyết Mai) đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.

"Tiếng trống Phùng Trọng, tiếng guitar Khánh Băng, tiếng bass Duy Khiêm, tiếng mandolin Lê Duyên, có nhiều lúc cùng với tiếng dương cầm Nguyễn Ánh 9, tiếng armonica Tòng Sơn phối hợp với các giọng ca Kiều Loan, Ngọc Mỹ, Mary Linh, Kiều Oanh, Ngọc Vân, Hoàng Hạc, Duy Mỹ... đã tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của ban Khánh Băng - Phùng Trọng những đêm Sài Gòn hoa mộng cũ", MC hải ngoại Trần Quốc Bảo nhận định trên trang cá nhân.
Những ngày huy hoàng của nhóm Khánh Băng đã lùi vào dĩ vãng, ở tuổi 79, nhạc sĩ Lê Duyên ra vào lẻ bóng trong căn nhà rộng thênh thang tại một con ngõ nhỏ giữa lòng TP HCM náo nhiệt. Ngoài việc phải tự chăm sóc mình với đủ chứng bệnh (suy mạch vành, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ), ông còn chăm lo cho người vợ mắc chứng mất trí nhớ.

Không đủ tiền mua thuốc, ăn uống lại qua loa, sức khỏe của nhạc sĩ ngày càng yếu đi. Tuy vậy, Lê Duyên rất kín tiếng về hoàn cảnh của mình. Ngoài nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bạn tâm giao, ông hiếm khi tâm sự về hoàn cảnh cô đơn, khó khăn của mình. "Bác luôn muốn giữ hình ảnh với khán giả, không khi nào muốn trở nên đáng thương trong mắt người khác", anh Đạt, người tiếp xúc thường xuyên với nhạc sĩ cho hay.

Giống như Lê Duyên, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân (tác giả ca khúc "Bạc trắng lửa hồng") sống đời cô quạnh những năm tháng tuổi già. Vợ con đã bỏ ông ra nước ngoài sinh sống từ lâu. Nghệ sĩ tự mình lo toan cuộc sống đã nhiều năm nay. Ở tuổi 75, sống một mình trong căn nhà rộng hơn 20m2, hàng ngày ông dậy sớm, tự đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa…

5 năm trở lại đây, sức khỏe yếu, không thể dạy thêm nhạc lý kiếm sống, Trương Hoàng Xuân sống bằng số lương hưu ít ỏi dành cho công nhân ngành bưu điện (có thời gian ông gây dựng phong trào văn nghệ cho bưu điện thành phố). "Trong cuộc trò chuyện, nhiều khi nhạc sĩ thở dốc nhưng ông luôn nói về cuộc sống cô đơn của mình đầy lạc quan mà không trách móc vợ hay con đã bỏ rơi mình", Hồng Phúc, chủ nhiệm một câu lạc bộ Yêu nhạc vàng tại TP HCM cho biết.

Ở tuổi 72, dù sống cuộc đời bình yên bên người bạn đời yêu và cảm thông với mình, nhạc sĩ Y Vũ, tác giả ca khúc "Tôi đưa em sang sông" vẫn không quên những tháng ngày buôn ve chai kiếm sống. Giống như nhiều nhạc sĩ khác, khi đồng tiền mất giá, bao nhiêu của cải gửi trong ngân hàng thành giấy vụn, Y Vũ trắng tay làm lại từ đầu để nuôi gia đình.

Từ một nhạc sĩ nổi tiếng, Y Vũ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn buôn răng vàng, bạc vụn về bán lại cho các cửa hàng vàng bạc để phân kim. "Hôm nào không có xe đạp, tôi đi bộ. Ròng rã vài chục cây số, ngày không được cắc bạc nào, có ngày trúng mánh cũng đủ ăn", nhạc sĩ cho biết.

Giống như Y Vũ, nhạc sĩ Hà Phương (tác giả ca khúc "Mưa đêm tỉnh nhỏ", "Mưa qua phố vắng") từng làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc như bổ củi, xẻ đá để kiếm sống. Ông có những ngày tháng lang thang khắp Nam kỳ lục tỉnh buôn bán để nuôi vợ và các con. Đời sống khó khăn đến mức ông từng có ý định đoạn tuyệt với sáng tác.

Điều đáng quý ở Hà Phương hay Y Vũ đó là tinh thần biết chấp nhận thực tại, không nề hà, xấu hổ trước sự thay đổi của thân phận. "Nhiều khi đi buôn ve chai, đụng người quen, họ tỏ ra xót thương cho tôi. Tôi thấy mình chẳng có gì đáng thương cả. Ở hoàn cảnh nào mình nên sống đúng với thân phận đó", Y Vũ chia sẻ.

"Nhạc sĩ trước kia sống theo cảm xúc, thờ phụng ái tình và nghệ thuật hơn là vật chất. Dễ hiểu vì cuộc đời họ gặp nhiều thăng trầm, bất trắc", nhạc sĩ Bảo Thu ngậm ngùi khi nói về những đồng nghiệp của mình.

Theo tienphong.vn

nhan_voky
25-11-2017, 09:41 AM
HOÀNG PHƯƠNG - NGƯỜI NHẠC SĨ TẬT NGUYỀN CỦA BIỂN GÒ CÔNG

http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/VHNT/hong%20phng.jpg

*
**** Cách đây gần 5 năm, một buổi sáng đầu tuần tôi và Nguyễn Kim - anh bạn văn ở thị xã Gò Công phóng xe máy về xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông thăm nhạc sĩ Hoàng Phương. Nhà của Hoàng Phương nằm cạnh con đường nhỏ, hướng mặt về phía biển. Đứng trên đường lắng nghe có thể cảm nhận được tiếng sóng biển và tiếng gió thổi rì rào phía hàng dương. Cuộc gặp thật bất ngờ nhưng Hoàng Phương rất vui vì có hai người bạn trẻ ngồi nhâm nhi và chia sẻ cùng ông chuyện âm nhạc, văn thơ và cuộc đời.

**** Thời điểm này, Hoàng Phương chưa phát hiện mình bị ung thư gan. Điều gây bất ngờ cho tôi là dù mới hơn 9 giờ sáng nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương đã ngật ngưỡng hơi men. Nguyễn Kim ngồi tiếp chuyện Hoàng Phương. Tôi phóng xe máy về phía bãi biển tìm món nhậu. Lát sau, món nhậu nghêu Gò Công được dọn ra. Hoàng Phương mải mê kể về năm tháng thời tuổi trẻ vào thời điểm ông sáng tác bài: Hoa sứ nhà nàng. Ông bảo rằng: Ca khúc ra đời từ câu chuyện có thật.

Chàng trai thầm yêu cô gái nhưng định kiến về giai cấp và khoảng cách giàu nghèo đã khiến mối tình tan vỡ. Đây là tác phẩm đầu tiên khẳng định tên tuổi của Hoàng Phương trong dòng âm nhạc trữ tình trước năm 1975. Kể từ đây, các ca khúc của Hoàng Phương lần lượt ra đời. Hầu hết các ca khúc của ông đều thể hiện những cung bậc, tình cảm say đắm của tình yêu và mối quan hệ gắn bó máu thịt của tâm hồn ông với vùng đất Gò Công. Nhiều ca khúc của ông đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc cả nước như: Gò Công hồng trang sử, Chiều trên bãi biển Gò Công, Chuyện tình hoa muống biển, Chiều hạ vàng ,Thuyền giấy chiều mưa, Chung vầng trăng đợi. Âm nhạc đã cuốn hút toàn bộ tâm hồn và cuộc đời của Hoàng Phương. Cuộc đời ông có những góc tối liên quan đến chuyện tình yêu và hôn nhân nhưng các ca khúc của ông thì vẫn mang vẻ đẹp lung linh, say đắm của tình yêu và men say cuộc sống.

**** Hoàng Phương không uống rượu, chỉ kể về chuyện cuộc đời, công việc sáng tác ca khúc và cuộc sống hiện tại của ông. Ông chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ông vừa kể chuyện vừa khóc. Tôi và Nguyễn Kim thầm hiểu Hoàng Phương vốn là người đa tài và đa cảm. Chính tâm hồn đa tình, đa cảm đã tạo nên chất phóng khoáng, trọng nghĩa tình trong tính cách và tạo nên chất men say, vẻ đẹp đắm đuối trong các ca khúc của Hoàng Phương. Tôi lặng lẽ nhìn cây ghi - ta cũ kỹ treo bên vách nhà chỉ còn sót lại ba dây đàn. Tôi thầm hỏi: Không hiểu khi sáng tác ca khúc Hoàng Phương ký âm bằng cách nào? Hoàng Phương lắng nghe tiếng sóng biển, lắng nghe giai điệu của tâm hồn mình và ký âm những giai điệu, ca từ trên trang giấy trắng? Hoàng Phương nói miên man hết chuyện này đến chuyện khác. Ông bảo chính vùng đất Gò Công, chính quê hương vùng biển đã tạo cho ông nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác. Tôi và Nguyễn Kim ái ngại về cuộc sống cơ cực, thiếu thốn hiện tại của anh. Hoàng Phương bảo: Anh sống bằng tiền nhuận bút, tiền bản quyền các ca khúc của mình..... Lát sau, Hoàng Phương bảo: Em nhớ gởi cho anh khoảng 5 bài thơ trữ tình để anh phổ nhạc. Anh muốn phổ nhạc thơ em để kỷ niệm. Tôi hứa sẽ gởi tặng ông tập thơ của mình. Khoảng một năm sau, tôi chưa kịp gặp lại ông thì căn bệnh ung thư gan quái ác đã cướp đi sự sống của nhạc sĩ Hoàng Phương.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Tat_ca/VHNT/nhc%20s%20hong%20phng.jpg
Căn nhà tồi tàn và vợ con nhạc sĩ Hoàng Phương

**** Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, tôi cùng anh bạn là phóng viên báo Ấp Bắc lần đầu tiên về thăm Hoàng Phương. Hồi ấy, Hoàng Phương đã nổi tiếng với băng nhạc Gò Công. Có thể nói Hoàng Phương là nhạc sĩ đầu tiên ở Tiền Giang dám bỏ tiền sản xuất băng cassette gồm những ca khúc về tình yêu và vùng đất Gò Công. Tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm của ca sĩ Bảo Yến và sự hòa âm điêu luyện bằng đàn organ của nhạc sĩ Quốc Dũng đã chấp cánh cho các ca khúc của Hoàng Phương bay xa. Theo những chuyến xe đò Bắc Nam, băng nhạc Gò Công đã đi khắp cả nước và trở thành một hiện tượng âm nhạc. Nhiều người biết và hiểu hơn về vùng đất Gò Công qua các ca khúc của Hoàng Phương. Tuy vậy, cũng có người cho rằng ca khúc của Hoàng Phương mang bóng dáng của nhạc vàng và nhạc sến nên cho rằng không nên phổ biến, giới thiệu rộng rãi ca khúc của ông đến với công chúng yêu nhạc. Dù thế nào thì các ca khúc của Hoàng Phương vẫn sống và vẫn đi vào ngõ ngách tâm hồn của nhiều người. Các ca khúc của ông chan chứa tình yêu và thấm đẫm tình cảm sâu nặng với vùng đất Gò Công nên vẫn sống trong tâm hồn người yêu nhạc. Hơn 20 năm qua, thời gian đã sàng lọc chỉ giữ lại những giá trị và những tác phẩm âm nhạc đích thực. Tôi nghĩ rằng ở chốn vĩnh hằng, linh hồn nhạc sĩ Hoàng Phương sẽ thanh thản khi ông biết rằng các ca khúc của ông vẫn vang vọng giữa cuộc đời và lắng đọng giữa tâm hồn con người.

**** Mùa xuân giờ lại đến. Một ngày cuối năm, tôi ghé qua nhà Hoàng Phương và thắp nén nhang muộn viếng linh hồn ông. Tôi gởi tập thơ kính tặng linh hồn nhạc sĩ Hoàng Phương. Không biết ở cõi vĩnh hằng, ông có tiếp tục sáng tác ca khúc và phổ nhạc thơ tôi như lời ông đã hứa? Biển ở ngoài kia vẫn ầm ào sóng vỗ. Biển trong các ca khúc của Hoàng Phương cũng đang ngân vang trong tâm hồn tôi. Tôi thầm tìm kiếm cây đàn ghi - ta đứt dây của ông nhưng không còn thấy treo trên vách. Tôi lắng nghe tiếng sóng biển, tiếng gió biển Gò Công mà thầm nhớ Hoàng Phương.

VÕ TẤN CƯỜNG

nhan_voky
25-11-2017, 09:48 AM
Nhạc sĩ Thanh Bình:

Cuộc đời không như tên gọi

Không biết có phải là điềm báo trước hay không, ca sĩ Ánh Tuyết, người đã đi tìm ông và gần gũi với ông nhất trong những năm tháng cuối đời của ông, cho biết cả đêm đó chị không ngủ được. “Tự dưng tôi thấy nóng ruột, nằm thao thức mãi. Đến khoảng hơn 4 giờ ngày 23-5, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị Phượng - cháu ruột ông - nói trong nước mắt: “Cậu đã đi rồi!”.

Một cuộc đời sóng gió

Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Datviet_Namxua/ngheo_hen/Van_nghe_sy/Nhc-s-Thanh-Bnh.jpg
Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Ảnh do ca sĩ Ánh Tuyết cung cấp)

Trong đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của đời mình, ông xúc động nói với Ánh Tuyết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện rồi!”.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.

Gặp lại nhạc sĩ Thanh Bình trong đêm nhạc do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức cho ông, sau 30 năm xa cách, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 buồn thương khi nhìn thấy sự tàn tạ của đồng nghiệp đàn anh. “Thú thật là lúc gặp lại anh ấy, tôi không nhận ra. Thời gian trôi qua, anh ấy đổi thay nhiều nhưng chẳng ngờ từ một chàng trai hào hoa phong nhã ngày nào mà bây giờ anh ấy lại tiều tụy quá”.

Tình duyên bẽ bàng

Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.

Người đàn bà nên duyên chồng vợ với ông rất xinh đẹp và họ có với nhau một con gái. Đớn đau thay, vợ ông bỏ nhà đi khi con gái mới lên 3 tuổi, một mình ông nuôi con trong muôn vàn khó nhọc. Không ít lần ông tự hỏi: “Yêu nhau là thế, sao bỏ đi quá dễ dàng?”. Ông không muốn nhớ về những ký ức đã đi vào dĩ vãng nhưng ở đời lạ lắm! “Khi không muốn còn gì để nhớ. Là lúc lòng không thể nào quên” (thơ Phan Vũ). Thanh Bình cũng như vậy.

Ông bảo đời cứ ném ông vào khoảng trời cay đắng. Con gái lớn, có chồng nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn, lại vướng vào vòng lao lý. Người già thường sống nương nhờ con nhưng có ai ngờ một ông già 80 tuổi như nhạc sĩ Thanh Bình lại bị con rể nhẫn tâm bỏ rơi ở bến xe, phải sống vất vưởng 18 ngày ở đó. Đó là một khoảng đời cay nghiệt nhất đối với ông. May nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu (chị Phượng) tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.

Nhắm mắt mà không được gặp con

Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt. Bao nhiêu ngày đợi tháng chờ con mòn mỏi là bấy nhiêu đau buồn, lo lắng không yên. Có nhiều lần chị Phượng thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc (con gái của ông - PV) quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Chị Phượng kể những lá thư chị Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt. “Nhiều lần ông đòi xuống trại giam ở lại với con gái nhưng tôi cứ động viên ông ráng khỏe sẽ đưa ông đi gặp con. Ông nghe vậy, ngày nào cũng chờ đợi, trông ngóng” - chị nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng không ít lần hứa sẽ dẫn ông đi thăm con gái nhưng đều lỗi hẹn. Chị đang liên lạc mọi cách để chị Ngọc về gặp cha lần cuối. Chị cũng hứa sẽ thực hiện cho ông một album kỷ niệm, tập hợp tất cả những sáng tác của ông nhưng tất cả giờ đều dang dở…

nhan_voky
25-11-2017, 10:03 AM
Nhà văn Mạc Can


Số nhà chính là... số điện thoại

Cả một đời hoạt động nghệ thuật, ông nổi tiếng cả nước trong vai trò một diễn viên, một nhà văn nhưng cái "số nghèo" cứ theo ông từ lúc bé đến tận bây giờ, khi đã bước vào tuổi 70.

Nhiều người cứ nghĩ, nghệ sĩ thì phải giàu nhưng với Mạc Can thì khác. Ông chả mấy khi dư dả, nói chi đến chuyện có nhà cửa, hay giàu ! Mỗi khi có người hỏi địa chỉ nhà ở đâu, nhà văn Mạc Can bảo: "Tôi không có nhà, đụng đâu ở đó". Với ông, số nhà chính là... số điện thoại.


http://thaicucthieugia.com/images/stories/Datviet_Namxua/ngheo_hen/Van_nghe_sy/Mc-Can.jpg

Có giai đoạn, nhà văn đi đâu cũng kè kè chiếc võng trên xe, thấy tiện ở đâu thì móc võng lên ngủ ngay tại đó. Tài sản lớn nhất của nhà văn Mạc Can là chiếc xe máy cà tàng, chiếc điện thoại và latop do bạn bè, đồng nghiệp thương mà tặng để ông có phương tiện di chuyển và dụng cụ hành nghề viết văn. Thậm chí, Mạc Can nghèo đến mức có lúc trong túi không có một xu, chỉ dám vào quán cà phê uống... trà đá. Và túng thiếu đến mức phải cầm cố máy tính để lo cho... cái bụng.

Trong hoàn cảnh ấy, có lẽ ai thì cũng từng nghĩ đến... cái chết. Mạc Can cũng vậy. Nhiều lần, Mạc Can thực sự muốn tìm đến cái chết như một lối thoát nhưng trời không cho.

Là bởi, đã vài lần, Mạc Can tự tử hụt! "Mỗi ngày tui nghĩ đến nó một lần vào mỗi buổi chiều sau giấc ngủ trưa… Những lúc ấy, tui thường mở mắt nhìn lên trần nhà và cứ nghĩ sao mình không thể chết? Sao có những lúc thấy cuộc đời bỗng dưng vô nghĩa đến thế?”. Mạc Can giãi bày tâm tư như thế trên một tờ báo khi người ta phỏng vấn ông.

Nhưng dẫu có rầu đến mấy vì bi kịch cuộc đời thì Mạc Can cũng vẫn đang "phải sống"! Ông vẫn đi đóng phim, thi thoảng. Ông cũng vẫn đang viết văn. Và chắc chắn nhiều người cũng vẫn đợi được xem phim ông đóng, được đọc truyện ông viết.

Sưu tầm

backieuphong
10-08-2019, 11:13 AM
Tài hoa bạc phận, các cụ nói rồi chẳng có sai.