Hiện kết quả từ 1 tới 4 của 4

Chủ đề: Một số bài thơ hay nhất về Xuân

  1. #1
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jun 2012
    Bài gửi
    260
    Thanks
    32
    Thanked 36 Times in 35 Posts

    Một số bài thơ hay nhất về Xuân



    CHÚC MỪNG NĂM MỚI !

    Minh_Nhật: Nhân dịp tết đến xuân về, xin chúc tất cả mọi người một năm mới tràn đầy sức khỏe, niềm vui và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Nhân tiện em cũng xin được up lên đây một số bài thơ hay nhất về xuân để mọi người thưởng thức cho không khí ngày xuân thêm phần thi vị ạ.

    1. Cảnh Xuân

    Đây có lẽ là bài thơ về xuân độc đáo nhất, lạ nhất mà mình vừa sưu tầm được trên mạng. Bài thơ "độc" ở chỗ đọc ngược, đọc xuôi, cắt đầu, cắt đuôi từng câu mà vẫn cực hay.

    a. Đọc xuôi, bình thường:

    "Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
    Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
    Hoa cài giậu trúc cành xuân biếc
    Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
    Qua lại khách chờ sông lặng sóng
    Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
    Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
    Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười".


    b. Đọc ngược từ phải sang trái và từ dưới lên:

    "Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
    Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
    Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
    Sóng lặng sông chờ khách lại qua
    Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
    Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
    Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
    Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta"


    c. Đọc xuôi như cách đọc thứ nhất, nhưng mỗi câu thơ bỏ hai từ đầu:

    "Cảnh xuân ánh sáng ngời
    Thơ rượu chén đầy vơi
    Giậu trúc cành xanh biếc
    Hương xuân sắc thắm tươi
    Khách chờ sông lặng sóng
    Thuyền đợi bến đông người
    Tiếng hát đàn trầm bổng
    Bóng ai mắt mỉm cười"

    d. Đọc ngược từ phải sang trái, từ dưới đọc lên, mỗi câu thơ lại bỏ hai từ cuối:

    "Mắt ai bóng thướt tha
    Đàn hát tiếng ngân xa
    Bến đợi thuyền xuôi ngược
    Sông chờ khách lại qua
    Sắc xuân hương quyện lá
    Cành trúc giậu cài hoa
    Chén rượu thơ vui thú
    Ánh xuân cảnh mến ta"

    e. Đọc ngược từ phải sang trái, mỗi câu bỏ ba từ đầu:

    "Cười mỉm mắt ai
    Bổng trầm đàn hát
    Người đông bến đợi
    Sóng lặng sông chờ
    Tươi thắm sắc xuân
    Biếc xanh cành trúc
    Vơi đầy chén rượu
    Ngời sáng ánh xuân"

    f. Đọc xuôi, mỗi câu bỏ 3 từ cuối:

    "Ta mến cảnh xuân
    Thú vui thơ rượu
    Hoa cài giậu trúc
    Lá quyện hương xuân
    Qua lại khách chờ
    Ngược xuôi thuyền đợi
    Xa ngân tiếng hát
    Tha thướt bóng ai"


    g. Đọc xuôi, mỗi câu thơ bỏ bốn chữ đầu:

    "Ánh sáng ngời
    Chén đầy vơi
    Cành xanh biếc
    Sắc thắm tươi
    Sông lặng sóng
    Bến đông người
    Đàn trầm bổng
    Mắt mỉm cười"


    h. Đọc ngược từ dưới lên, mỗi câu lại bỏ bốn từ cuối:

    "Bóng thướt tha
    Tiếng ngân nga
    Thuyền xuôi ngược
    Khách lại qua
    Hương quyện lá
    Giậu cài hoa
    Thơ vui thú
    Cảnh mến ta"

    Lần sửa cuối bởi minhnhat; 31-01-2014 lúc 08:40 AM

  2. #2
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jun 2012
    Bài gửi
    260
    Thanks
    32
    Thanked 36 Times in 35 Posts
    2. Xuân cảnh - 春景
    Tác giả: Đức vua Trần Nhân Tông - 陳仁宗



    楊柳花深鳥語遲,
    畫堂簷影暮雲飛。
    客來不問人間事,
    共倚欄杆看翠微。

    Nguyên văn Hán tự:

    Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
    Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
    Khách lai bất vấn nhân gian sự,
    Cộng ỷ lan can khán thuý vi.


    Dịch thơ:

    Chim kêu hoa liễu nở đầy
    Họa đường thềm rợp bóng mây may
    Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
    Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời.

    Nguồn: Internet
    Lần sửa cuối bởi minhnhat; 31-01-2014 lúc 08:42 AM

  3. #3
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jun 2012
    Bài gửi
    260
    Thanks
    32
    Thanked 36 Times in 35 Posts
    3. Gặp Xuân

    Khác với những thi sĩ tiền chiến Việt Nam là những người của đầu thế kỷ hai mươi, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ( 1888-1939 ), là người của hai thế kỷ. Bút hiệu Tản Đà được tiên sinh chọn từ tên tắt của núi Tản-viên và sông Đà-giang, vốn là quê hương của tiên sinh.


    Là người tiên phong trong thi đàn Việt Nam, Tản Đà tuy có một nét thơ “phóng túng riêng” nhưng vẫn “còn giữ được của thời trước cái cốt cách vững vàng, cái phong thái thung dung... Tiên sinh đã đi qua giữa cái hỗn độn của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ hai mươi với tấm lòng bình thản của một người thời trước. Những nỗi chật vật của cuộc sống hàng ngày, những cảnh đời éo le thường phô bày ra trước mắt, không từng làm bợn được linh hồn cao khiết của tiên sinh. Cái dáng điệu ngang tàng thường được thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không bao giờ có vẻ vay mượn. Cái buồn chán của tiên sinh cũng là cái buồn chán của một người trượng phu. Thở than có, nhưng không bao giờ rên rỉ” (Thi Nhân Việt Nam, 1988, trang 14).

    Nhân dịp Xuân về, chúng tôi xin cống hiến quý vị một bài thơ xuân chúng tôi sưu tầm được. Bài thơ này tiên sinh viết khi tiên sinh được năm mươi tuổi, một năm trước khi tiên sinh mất. Nào, xin mời quý vị hãy cùng chúng tôi thưởng lãm "Gặp Xuân" với Tản Đà.


    Gặp Xuân

    Gặp xuân ta giữ xuân chơi
    Câu thơ chén rượu là nơi đi về
    Hết xuân, cạn chén, xuân về
    Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn xuân.
    Xuân ơi, xuân hỡi

    Vắng xuân lâu, ta vẫn đợi chờ mong
    Trải bao nhiêu ngày, tháng, hạ, thu, đông
    Ròng rã nỗi nhớ nhung xuân có biết
    Khứ tuế, xuân quy, sầu cửu biệt
    Kim niên, xuân đáo, khách tương phùng
    *

    Gặp ta nay, xuân chớ lạ lùng
    Tóc có khác, trong lòng ta chẳng khác
    Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước
    Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui
    Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi
    Tính trăm tuổi đời người ta có nửa
    Còn sau nữa, lại bao nhiêu xuân nữa
    Mặc trời cho ta chửa hỏi làm chi
    Sẵn rượu đào, xuân uống với ta đi
    Cho quen biết kể gì ai chủ khách
    Thiên cổ vị văn song Lý Bạch
    Nhất niên hà đắc lưỡng đông quân**
    Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần
    Thơ với rượu cùng xuân ta cứ thế
    Ngoài trăm tuổi vắng ta trong trần thế
    Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm
    Cùng nhau nay hãy uống thêm.

    ------------------------------------
    * Năm ngoái xuân về, ta buồn vì phải xa cách lâu
    Năm nay xuân đến, ta vui mừng lại được cùng gặp.

    ** Từ ngàn xưa chưa hề nghe nói có hai ông Lý Bạch
    Một năm sao mà có được những hai chúa Xuân.

  4. #4
    Senior Member
    Tham gia ngày
    Jun 2012
    Bài gửi
    260
    Thanks
    32
    Thanked 36 Times in 35 Posts
    4. Ông Đồ


    Vũ Đình Liên sinh quán ở Hà Nội, học ở trường Bảo Hộ và trường Luật. Ngoài các nghề dậy học, quản lý tờ báo Tinh Hoa, chủ trương tờ Revue Pédagogique, tham tá Thương Chính Hà Nội; ông còn viết văn và làm thơ. Thơ của ông được đăng trên các tờ Phong Hoá, Loa, Phụ Nữ Thời Đàm, và Tinh Hoa.
    Nhà thơ tiền chiến Vũ Đình Liên qua đời ngày 20-1-1996 tại Việt Nam, để lại một kiệt tác bất hủ với thời gian, đó là bài thơ “Ông Đồ” được sáng tác trước năm 1937 là năm ông giã từ thi đàn (năm đó ông mới 24 tuổi). Có lần, để giải thích cho việc từ giã thi đàn ở tuổi còn quá trẻ, trong một bức thư đề ngày 9-1-1941 gởi cho Hoài Thanh và Hoài Chân, đồng tác giả quyển Thi Nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên đã viết, “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nưã” (Thi Nhân Việt Nam, 1988, trang 74-75).

    Bài thơ “Ông Đồ” là một bức tranh, một bức tranh buồn: buồn cho một thời đại vàng son của nền Nho học Việt Nam đang tàn lụi mà ông đồ là người tiêu biểu. Cũng trong bức thư đề ngày 9-1-1941 ở trên, Vũ Đình Liên đã viết, “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn.”

    Mới đây mà đã bẩy mươi năm từ ngày bài thơ “Ông Đồ” lần đầu tiên xuất hiện trên báo Tinh Hoa. Bẩy mươi năm trôi qua, khoảng thời gian đủ cho một kiếp người trở về với cát bụi, vậy mà đã bẩy mươi năm cho một bài thơ, một hình ảnh cũ của nền Nho học Việt Nam, hình ảnh của Ông Đồ, vẫn lưu giữ trong tâm trí của biết bao nhiêu người.

    Cách đây hơn 64 năm (vào tháng 9 năm 1941), nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã gọi bài thơ “Ông Đồ” là một kiệt tác (Thi Nhân Việt Nam, 1988, trang 73). Thời gian cùng những người yêu thơ đã chứng minh cho nhận xét của Hoài Thanh. Và, mỗi lần Xuân về Tết đến, bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên lại được trân trọng đăng lại trên các báo xuân, như nhắc lại một áng thơ bất hủ, một bóng hình cũ đã từng ngự trị rất lâu trong dĩ vãng của nền Nho học Việt Nam.

    Ông Đồ

    Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu giấy đỏ
    Bên phố đông người qua.

    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài
    “Hoa tay thảo những nét,
    Như phượng múa rồng bay.”

    Nhưng mỗi năm mỗi vắng
    Người thuê viết nay đâu?
    Giấy đỏ buồn không thấm
    Mực đọng trong nghiên sầu...

    Ông đồ vẫn ngồi đấy
    Qua đường không ai hay
    Lá vàng rơi trên giấy
    Ngoài giời mưa bụi bay.

    Năm nay hoa đào nở
    Không thấy ông đồ xưa
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ?

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •