Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT- Phê Phán Lý Tính Thực Hành

  1. #1
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT- Phê Phán Lý Tính Thực Hành

    Lời bạt:


    Nhận thức và tư duy triết học là một yếu tố quan trọng và hữu ích cho mỗi người, nhận thấy tầm quan trọng đó, ngochai sưu tầm và giới thiệu với bạn đọc về những vấn đề Triết học liên quan tới Triết gia nổi tiếng I. Kant. Những thông tin liên quan tới triết gia I. Kant trong loạt bài này được trích dẫn từ cuốn sách: Phê Phán Lý Tính Thực Hành, của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri Thức, năm 2007.

    Immanuel Kant, sinh ngày 22 tháng 4 năm1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg, được xem là triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: "tiền phê phán" và sau năm 1770 là "phê phán". Học thuyết "Triết học siêu nghiệm" (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới…

    ngochai
    Lần sửa cuối bởi ngochai; 26-06-2012 lúc 09:27 PM
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  2. #2
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb Phê Phán Lý Tính Thực Hành

    Kant đặt cơ sở mới mẻ cho đạo đức học bằng cách tiến hành phê phán lý tính thực hành. Lý tính thực hành là gì và tại sao phải phê phán nó? Thật ra, lý tính thực hành không phải là cái gì hoàn toàn khác so với lý tính lý thuyết, bởi con người chỉ có một lý tính được sử dụng một cách lý thuyết hoặc thực hành. Một cách khái quát, theo Kant, lý tính là quan năng (Vermögen/Anh: faculty) của những nguyên tắc, vượt ra khỏi lĩnh vực của giác quan, của Tự nhiên. Vượt ra khỏi giác quan trong nhận thức là sự sử dụng lý tính một cách lý thuyết, còn trong hành động là sự sử dụng một cách thực hành. Với sự phân biệt giữa hai cách sử dụng lý tính, Kant tiếp thu sự phân biệt của David Hume giữa các mệnh đề mô tả và các mệnh đề chỉ thị (xem: 3. Cái Đang là và cái Phải là). Vậy, một cách ngắn gọn, lý tính thực hành là năng lực lựa chọn hành động độc lập với những cơ sở quy định cảm tính, với những bản năng, nhu cầu, đam mê, những cảm giác về sự dễ chịu và không dễ chịu.

    Ở đây, Kant không “rao giảng” luân lý, tức không sử dụng ngôn ngữ quy phạm (normativ). Trái lại, ông nói tiếng nói tỉnh táo của phân tích khoa học và bắt đầu với một hiện tượng trung lập về luân lý, đó là năng lực của con người hình dung những quy luật do tự mình mang lại cho chính mình (chẳng hạn: các quy luật trong quan hệ mục đích-phương tiện), lấy chúng làm nguyên tắc để hành động chứ không theo những định luật có sẵn của Tự nhiên. Năng lực hành động dựa theo sự hình dung về quy luật gọi là ý chí, và do đó, lý tính thực hành không gì khác hơn là quan năng ham muốn hay quan năng của ý chí (xem: Đặt cơ sở, IV, 412).

    Như thế, với Kant, ý chí không phải là cái gì phi-lý tính, không phải là “sức mạnh tối tăm từ một vực sâu ẩn mật” theo nghĩa của Schopenhauer, mà là cái gì hợp-lý tính, là bản thân lý tính trong quan hệ với hành vi. Chính ý chí là chỗ phân biệt một hữu thể có lý tính (như con người) với hữu thể đơn thuần tự nhiên (như thú vật), vì thú vật hành động dựa theo những quy luật do Tự nhiên mang lại chứ không phải do chúng “hình dung” nên. Đôi khi ta cũng hiểu “ý chí” như là sự thôi thúc từ bên trong, phân biệt với sự cưỡng chế từ bên ngoài. Trong chừng mực đó, ta cũng có thể bảo thú vật có một ý chí khi chúng tuân theo các bản năng và nhu cầu nội tại. Nhưng, Kant hiểu chữ “ý chí” chặt chẽ hơn. Nơi thú vật, các bản năng và nhu cầu tuy có tính hợp quy luật, nhưng đó là quy luật mang tính tất yếu. Chúng tuân theo các động lực hành động riêng, nhưng đó không phải là theo ý chí riêng mà tuân theo “ý chí của Tự nhiên”. Chỉ khi có năng lực hành động dựa theo những quy luật do tự mình hình dung lấy mới có ý chí riêng. Nói cách khác, ý chí biểu thị năng lực giữ khoảng cách với các động lực tự nhiên: tuy không triệt tiêu chúng nhưng không để cho chúng trở thành cơ sở quy định tối hậu.

    Cũng giống như trong lĩnh vực lý thuyết, Kant cũng phân biệt triệt để về mặt phương pháp trong lĩnh vực thực hành giữa những ý chí độc lập hoặc không độc lập hoàn toàn với những cơ sở quy định cảm tính, tức phân biệt giữa lý tính thực hành thường nghiệm và lý tính thực hành thuần túy. Trong khi lý tính thực hành thường nghiệm chịu sự quy định một phần từ bên ngoài (chẳng hạn do dục vọng và nhu cầu, do thói quen và đam mê) thì lý tính thuần túy thực hành là hoàn toàn độc lập với mọi điều kiện thường nghiệm và chỉ dựa vào bản thân mình.

    Từ đó, Kant khẳng định rằng “mọi khái niệm luân lý đều có trú sở và nguồn gốc một cách hoàn toàn tiên nghiệm ở trong lý tính” (Đặt cơ sở, IV 411), cho nên luân lý – theo nghĩa chặt chẽ của từ này – chỉ có thể được hiểu như là lý tính thuần túy thực hành. Đó là lý do tại sao có sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong nhiệm vụ của hai quyển Phê phán thứ nhất và thứ hai: trong nhận thức, Kant phê phán tham vọng “vượt rào” của lý tính thuần túy tư biện, còn ngược lại, trong hành động, Kant bác bỏ loại lý tính bị điều kiện hóa một cách thường nghiệm. Ông viết ngay trong các dòng đầu tiên của Lời Tựa quyển Phê phán thứ hai: “… Công việc của nó [tác phẩm] chỉ nhằm chứng minh rằng: quả có [sự tồn tại của] lý tính thuần túy thực hành, và muốn thế, thì phải tiến hành phê phán toàn bộ quan năng thực hành của lý tính. Nếu thành công trong việc chứng minh ấy, tác phẩm này sẽ không cần phê phán bản thân quan năng thuần túy để xét xem liệu lý tính – trong khi đề ra một yêu sách như thế – có tham vọng vượt quá phạm vi năng lực của mình hay không (như đã xảy ra đối với lý tính tư biện)…” (A3). Mục đích chính yếu của Kant là bác bỏ yêu sách của chủ nghĩa duy nghiệm lẫn của chủ nghĩa hoài nghi về luân lý. Nếu con người chỉ có thể hành động dựa trên các cơ sở quy định thường nghiệm thì ắt bản thân những nguyên tắc của luân lý cũng phải phụ thuộc vào kinh nghiệm, do đó, sẽ bất tất và tương đối.
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

Tags for this Thread

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •