Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT - Sự Kiện Hiển Nhiên Của Lý Tính Đạo Đức

  1. #1
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT - Sự Kiện Hiển Nhiên Của Lý Tính Đạo Đức

    Lời bạt:


    Nhận thức và tư duy triết học là một yếu tố quan trọng và hữu ích cho mỗi người, nhận thấy tầm quan trọng đó, ngochai sưu tầm và giới thiệu với bạn đọc về những vấn đề Triết học liên quan tới Triết gia nổi tiếng I. Kant. Những thông tin liên quan tới triết gia I. Kant trong loạt bài này được trích dẫn từ cuốn sách: Phê Phán Lý Tính Thực Hành, của dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, NXB Tri Thức, năm 2007.

    Immanuel Kant, sinh ngày 22 tháng 4 năm1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg, được xem là triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: "tiền phê phán" và sau năm 1770 là "phê phán". Học thuyết "Triết học siêu nghiệm" (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới…

    ngochai
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  2. #2
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT - Sự Kiện Hiển Nhiên Của Lý Tính Đạo Đức

    “Sự Kiện” [hiển nhiên, không thể chối cãi] của Lý Tính (Faktum der Vernunft)

    Ba yếu tố lý thuyết: ý niệm về cái Tốt tuyệt đối, mệnh lệnh nhất quyết và nguyên tắc về sự tự trị là các điều kiện cần, nhưng chưa đủ cho một môn đạo đức học triết học. Nếu không chứng minh được rằng đối tượng chung của ba yếu tố đó – tức bản thân luân lý – là có thật thì Kant vẫn chưa đạt được mục đích là khắc phục chủ nghĩa hoài nghi về luân lý. Việc này chỉ làm được khi cho thấy luân lý không phải là ảo tưởng chủ quan của cá nhân, của một nhóm người, của một thời đại mà thật sự tồn tại, tức như một “Sự kiện”/Faktum (xem A9 và chú thích 9 của người dịch). Hai yếu tố đầu tiên là thành quả của quyền Đặt cơ sở, còn hai yếu tố sau, nhất là “Sự kiện” là đóng góp mới mẻ của quyển Phê phán lý tính thực hành.

    “Sự kiện của lý tính” thực ra là “sự kiện của lý tính thuần túy”. Kant chỉ có thể tìm thấy nó trong lĩnh vực thực hành, vì chỉ ở đây mới có mặt lý tính thuần túy, trong khi lý tính lý thuyết luôn gắn liền với kinh nghiệm khả hữu. Với thuật ngữ “Sự kiện của lý tính [thuần túy thực hành], Kant cho thấy luân lý thực sự tồn tại, chứ không phải là sản phẩm tưởng tượng về một cái Phải là xa lạ nào đó của nhà đạo đức học. O. Höffe nhận xét: “Trong Sự kiện của lý tính ta thấy một tình thế nghịch lý của đạo đức học Kant và có lẽ của mọi nền đạo đức học: phản tư về một cái gì luôn có mặt trong ý thức luân lý (hay trong phát ngôn luân lý v.v…), tức về một Sự kiện, về một cái Đang là, nhưng rồi sự phản tư ấy lại dẫn đến một nguyên tắc luân lý, đến cơ sở và thước đo của cái Phải là” (1996, tr. 202-203).

    Vẻ ngoài nghịch lý ấy sẽ giảm đi khi ta lưu ý đến đặc điểm của Sự kiện này. Nó không phải là một dữ kiện thường nghiệm, không phải là bản thân quy luật luân lý mà là ý thức về quy luật ấy (§7, A56). Theo Kant, đây là một sự thật không thể chối cãi được (tức xác tín một cách hiển nhiên/apodiktisch gewiss) rằng có một ý thức luân lý, tức có một ý thức về một bổn phận vô-điều kiện. Thông qua ý thức ấy, lý tính cho thấy nó đang “ban bố quy luật một cách nguyên thủy” (sic volo, sic jubeo) (nt).
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

  3. #3
    Moderator
    Tham gia ngày
    Jan 2012
    Đến từ
    ngochai.tcq@gmail.com
    Bài gửi
    1.037
    Thanks
    336
    Thanked 115 Times in 113 Posts

    Lightbulb ĐẠO ĐỨC HỌC - IMMANUEL KANT - Sự Kiện Hiển Nhiên Của Lý Tính Đạo Đức

    Để biện minh, Kant bảo chỉ cần nhìn vào thái độ của con người khi đưa ra các phán đoán về hành vi của mình. Đó là những trường hợp khi ta phán đoán và kiên quyết hành động luân lý độc lập với bất kỳ xu hướng tự nhiên nào của hạnh phúc riêng tư, thậm chí với sự an nguy của mạng sống. Trong phần Nhận xét cho mục §6 (A54), Kant nêu ví dụ: “Giả thiết có ai đó huênh hoang về xu hướng thích hưởng thụ khoái lạc của mình rằng hễ có đối tượng được ham thích và có cơ hội thì nhất định không cưỡng được dục vọng. Bây giờ, thử hỏi anh ta rằng: nếu đặt một giá treo cổ ngay trước cửa ngôi nhà được anh ta xem là cơ hội để treo cổ anh ta ngay lập tức sau khi thỏa mãn dục vọng, liệu anh ta có kiềm chế được lòng dục của mình không? Chắc ta không khó đoán anh ta sẽ trả lời như thế nào. Ngược lại, nếu viên lãnh chúa, do muốn kiếm cớ để hủy hoại thanh danh một người lương thiện, dùng chính hình phạt ấy để buộc anh ta phải vu cáo, thử hỏi anh ta có khả năng vượt qua được lòng tham sống sợ chết, dù lớn đến mấy? Có lẽ anh ta không dám mạo hiểm để khẳng định là làm hay không làm nhưng anh ta ắt không ngần ngại để nhận rằng điều này là có thể. Nghĩa là, anh ta phán đoán rằng mình có thể làm một việc chỉ vì có ý thức rằng mình phảilàm việc ấy, và nhận ra sự Tự do nơi chính mình, – một điều mà nếu không có quy luật luân lý ắt anh ta không bao giờ nhận ra được”. Như thế, theo Kant, Sự kiện của lý tính đã “hội nhập” từ lâu vào trong bản tính tự nhiên của con người (A188); nó “đã được khắc ghi bằng nét chữ to nhất và dễ đọc nhất trong tâm hồn con người” (VIII, 287). Ở đây, ta không cùng với Kant đi vào cuộc tranh luận bất tận về sự có mặt thực sự hay không của “Sự kiện lý tính” hay của “lòng chẳng nỡ” (bất nhẫn) theo cách nói của Mạnh Tử trước bao hiện tượng bất nhân và tàn bạo của con người mà chỉ lưu ý tìm hiểu lôgíc nghiên cứu của ông:

    - Với luận điểm về “Sự kiện của lý tính”, Kant đã hoàn chỉnh bước sau cùng trong học thuyết của ông về Tự do: 1. trong Chương “Nghịch lý của lý tính thuần túy” của quyển Phê phán thứ nhất, Kant đã chứng minh rằng khái niệm về sự Tự do siêu nghiệm là có thể suy tưởng được; 2. nguyên tắc về sự tự trị trong quyển Phê phán thứ hai này lại cho thấy sự Tự do siêu nghiệm là một khái niệm tiêu cực, phủ định, còn sự Tự do luân lý là tích cực, khẳng định; và 3. bây giờ, Sự kiện của lý tính chứng minh rằng cả hai sự Tự do ấy (siêu nghiệm và luân lý) là hiện thực. Kant sẽ còn tiếp tục phát triển các yếu tố khác của học thuyết về Tự do trong quyển Phê phán năng lực phán đoán, trong triết học pháp quyền, lịch sử và tôn giáo. Nói tóm, khái niệm Tự do là khái niệm chủ đạo, là “viên đá đỉnh vòm” của toàn bộ triết học Kant.

    Nhìn vào cấu trúc của các tác phẩm đạo đức học của Kant, ta cũng thấy rõ một trình tự về phương pháp nghiên cứu, gồm bốn bước:

    - Trong quyển Đặt cơ sở, Kant tiến hành hai bước đầu tiên: phân tích khái niệm để hình thành khái niệm thích hợp về luân lý như là cái Tốt vô giới hạn; và áp dụng khái niệm ấy vào hoàn cảnh của con người hữu hạn, thể hiện trong khái niệm “mệnh lệnh nhất quyết”.

    - Trong quyển Phê phán lý tính thực hành này, Kant tiến hành hai bước còn lại: bước diễn dịch siêu nghiệm dẫn đến sự Tự do ý chí như là nguyên tắc của tính chủ thể luân lý, và sau cùng là bước thông diễn học (hermeneutisch) để lý giải những lập luận trước nay là một hiện thực chứ không phải một giả tưởng hay ảo tưởng.

    Nghị luận đạo đức học, hay nói cách khác, việc đặt cơ sở triết học cho luân lý là một công việc đa tầng, và được Kant tiến hành một cách thuyết phục bằng sự tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu (phân tích ngôn ngữ hay thông diễn học, diễn dịch siêu nghiệm, biện chứng pháp v.v…) và đồng thời cho thấy rằng không thể tiếp cận và giải quyết vấn đề chỉ bằng một phương pháp duy nhất nào cả.

    Bao trùm hơn và căn để hơn về phương pháp luận nghiên cứu đạo đức học là khẳng định của Kant ngay trong quyển Phê phán lý tính thuần túy: “… Trong lĩnh vực giới tự nhiên, nếu kinh nghiệm mang lại cho ta quy luật và là nguồn suối của chân lý, thì về phương diện những quy luật luân lý, kinh nghiệm (tiếc thay!) lại là mẹ đẻ của ảo tưởng và thật là tệ hại nếu những quy luật luân lý về những gì tôi phải làm lại được rút ra từ đó hay nếu muốn dùng kinh nghiệm để hạn chế những gì phải được làm” (B375). Vì thế, theo Kant, nhất thiết phải rời bỏ lĩnh vực của cái Đang là (Tự nhiên) và – khác với thuyết công lợi, với việc nghiên cứu về hành vi, hay các cách tiếp cận khoa học xã hội và nhân loại học – phải tìm cách xác định luân lý bằng những khái niệm độc lập với kinh nghiệm, tức tiên nghiệm. Nếu đề án “tiên nghiệm” của Kant ngày càng trở nên khả nghi trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết, thì ngược lại, trong các cuộc thảo luận đạo đức học ngày nay, ngày càng thấy khó có thể lãng quên hay xem nhẹ một sự tiếp thu có phê phán đối với Kant, khi ý niệm về luân lý – dù được phát triển một cách sáng tạo đến mấy – bao giờ cũng thiết yếu gắn liền với ý niệm về cái Tốt không giới hạn và với nguyên tắc song đôi của nó là mệnh lệnh nhất quyết và sự tự trị.
    Trời sinh, trời ắt đã dành phần / Tu hãy cho hiền, dạ có nhân
    Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ / Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần
    Bạo hung chỉn đã gươm mài đá / Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân
    Chớ có hại nhân mà ích kỷ / Giấu người, khôn giấu được linh thần.
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    ngochai.tcq@gmail.com

Tags for this Thread

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •