Tìm hiểu về linh vị trong văn hóa thờ cúng của người Việt.


1. Linh vị là gì ?
Linh vị hay bài vị có nghĩa gốc là tấm thẻ bằng giấy hoặc gỗ, bằng đồng… để viết họ tên của các bậc thủy tổ, tiền bối, những người đã mất… nhằm mục đích “ẩm thủy tư nguồn”, tri ân công đức, tỏ lòng hiếu kính của các thế hệ hậu duệ, của con cháu đối với các bậc tiền nhân, những người khai sáng dòng họ, người có công khai địa lập điền…


Theo phong tục, sau khi mất người nhà làm cho người mất tấm linh vị, để cho hồn sau khi rời khỏi thân xác có thể tìm nơi cư trú.
Chú ý: Không có quy định cụ thể và kích thước, hình dáng, cũng như chất liệu. Chữ Tầu xưa hay viết từ trên xuống, giờ dùng chữ Việt bắt chước theo là không cần thiết.

2. Cách đặt linh vị trên bàn thờ sao cho đúng ?
a. Vị trí lập phòng thờ - tủ thờ
Người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng luôn đặt nơi thờ cúng tại vị trí ở nơi tôn nghiêm và trang trọng nhất trong nhà.
- Bàn thờ đặt ở nơi thanh tịnh và tôn nghiêm
- Theo thuật phong thủy thì trong dân gian, bàn thờ thường được đặt cố định tại Trung Cung (khu vực trung tâm của nhà). Bước vào cửa chính có thể gặp bàn thờ và bộ bàn ghế tiếp khách. Đây là một xếp đặt quen thuộc, hài hòa với cấu trúc không gian nhà ở truyền thống xưa nay của người Việt.
Thuật phong thủy cho rằng bàn thờ gia tiên cần phải "tọa cát hướng cát" tức là nằm ở vị trí tốt và nhìn ra hướng tốt so với tuổi của gia chủ. Phía sau bàn thờ cần phải là tường vững chãi, không được dựa vào tường kính hoặc cửa sổ... Việc đặt bàn thờ đối diện cửa ra vào nếu thỏa mãn về phương vị và hướng thì là một cách bố trí tốt về phong thủy.
- Đối với khu đô thị, nhà cao tầng: Do mật độ dân số ngày càng đông đúc, nhu cầu nhà ở ngày càng đắt đỏ, trong các khu đô thị người ta chen chúc nhau để ở nên để có một căn nhà đúng theo hướng tốt, hợp với tuổi của từng người là một việc hết sức nan giải. Để giải quyết vấn đề này, các kiến trúc sư thường bố trí bàn thờ đặt trong một phòng riêng, tầng trên cùng của ngôi nhà (tầng trên cùng thường là tầng thượng - tầng tum gồm: phòng thờ, phòng giặt + sân phơi). Vị trí này không chỉ mang đến sự trang nghiêm, kín đáo, tĩnh lặng… mà còn thuận tiện cho việc cúng ngoài trời, hóa vàng mã trên sân thượng.
Như vậy, dù là nhà ở truyền thống hay hiện đại, bàn thờ cũng luôn phải đảm bảo được đặt tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không bị các không gian sinh hoạt khác đè lên… để khi cúng bái, con cháu trong nhà tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với ông bà tổ tiên.
- Khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng cần phải lưu ý tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy. Mặt bàn thờ nên đặt một tấm kính để đảm bảo an toàn tránh lửa bén. Tuyệt đối không được đặt bàn thờ bên dưới phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… làm giảm tính tôn nghiêm.
- Không gian đặt bàn thờ phải đủ thông thoáng. Không nên đặt bàn thờ cao quá gây khó khăn cho việc thờ cúng, cũng không nên đặt thấp quá thiếu trang nghiêm. Trong các trường hợp bàn thờ treo hay tủ thờ cao, phải đảm bảo khoảng cách tới trần không quá gần, tránh quẩn khói và gây ám vàng trần. Để khắc phục trường hợp này, bạn có thể gắn một tấm kính phía trên trần.


- Ánh sáng trong phòng thờ và trên bàn thờ không nên sử dụng ánh sáng trắng mà nên sử dụng ánh sáng vàng, có cảm giác ấm cúng; nguồn sáng gián tiếp, tránh gây chói. Bạn có thể dùng đèn hắt tường, những bóng đèn nhót, đèn thờ… Bố trí chiếu sáng nên đăng đối theo 2 bên bàn thờ; kiểu dáng, chất liệu của đèn cũng cần phù hợp với tủ thờ và không gian chung, tránh quá màu mè, lòe loẹt…
b. Cách đặt linh vị
- Linh vị hay bài vị của tổ tiên là một bộ phận hết sức linh thiêng trong đời sống văn hóa tâm linh, liên quan đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống bởi vậy, không chỉ phải được đặt ở nơi trang trọng nhất của căn nhà mà còn phải đặt chính giữa của bàn thờ và thường là đặt ở ngay phái sau bát hương. Cũng có người nhất là những người trẻ tuổi, người cẩu thả lại để thần vị của tổ tiên trước bát hương, trên thực tế việc làm này cũng không có lỗi, có điều để như vậy không những thiếu tôn nghiêm, không đúng mà còn choán chỗ và rất vướng nhất là khi thắp hương.

c. Những thông số cần biết của bài vị:
- Chất liệu: Dân gian thường dùng gỗ, giấy… nhưng do thời gian, các chất liệu này thường hay bị hư hỏng, nứt nẻ, phai màu… Hiện thấy ở một số nơi, linh vị tổ tiên được làm bằng đồng, thiển nghĩ chất liệu đồng có lẽ là chất liệu phù hợp nhất, trường khí cao hỗ trợ vong linh tốt hơn, vừa đơn giản nhưng lại vừa… sang trọng.
- Kích thước của một bài vị: Tùy không gian nhà thờ, phòng thờ, hoặc bàn thờ mỗi hộ gia đình, gia tộc có linh vị riêng, có thể to hoặc nhỏ, cao thấp khác nhau (không bắt buộc) nhưng thông thường nằm ở khoảng:
- Chiều rộng từ 30-40cm, cao từ 40-80cm.
- Số chữ viết không bắt buộc, chỉ cần điền các thông tin cơ bản để chúng ta ghi nhớ được như họ tên, năm sinh, năm mất, quê quán. Việc yêu cầu số chữ trong linh vị phải chia hết cho 4… hoặc dư bao nhiêu là mê tín, không có tác dụng.
- Tước vị, tên hiệu, tên thụy… không bắt buộc phải ghi, cũng không cần phải ghi các chữ “chi Linh vị”, “Thần chủ”…
- Linh vị để mấy đời cũng tùy, nếu ít có thể để trên bàn thờ, nếu nhiều nên để riêng ra ngoài cho trang trọng.
- Linh vị dán ảnh có thể thay thế chữ viết trong linh vị trên bàn thờ.

3. Những kiêng kị khi đặt bàn thờ
Theo quan niệm của người Á Đông và thuật phong thủy, nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Do đó, khi đặt bàn thờ, bạn phải tránh các điều kiêng kỵ sau:
- Không đặt bàn thờ sát nhà tắm. Bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt bàn thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi không khí tôn nghiêm.
- Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy, gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc.


- Không đặt bàn thờ trên nóc tủ.
- Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ.
- Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau.
- Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ
- Bàn thờ phải luôn sạch sẽ và thường xuyên thắp nhang. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính. Tượng thần thánh hoặc vật thể thiêng liêng phải đặt trên bàn kệ cao. Đèn trên bàn thờ luôn bật sáng để thu hút năng lượng dương.

Tp.HCM, ngày 19.12.2016
Shaolaojia biên tầm.