Thảm sát ở thôn Bồng lai và bài thơ của Hàn Dũ


Qua vụ việc anh em trong nhà thảm sát lẫn nhau xảy ra ở thôn Bồng Lai (Đan Phượng, Hà Nội) khiến mình nhớ lại mỗi khi rảnh rỗi, mình hay giảng về bài thơ “Trị Gia Cách Ngôn” được ghi trên cây quạt của các võ sinh lớp Thái cực Thiều gia.

“Trị gia cách ngôn” đối với giới Nho gia Khổng giáo nói riêng và Nhị giáo cửu lưu nói chung không chỉ là một tuyệt tác thi ca mà còn có giá trị trong việc tề gia trị quốc, giá trị trong việc hoàn thiện đạo đức, nhân cách và những phẩm hạnh tốt đẹp của con người. “Trị gia cách ngôn” là bài di ngôn dùng để dạy con cháu trong gia tộc của Đường triều Binh Bộ thị lang, Lại Bộ thị lang Hàn Dũ, một chính trị gia, thi nhân kiệt xuất của văn minh Trung Hoa cổ đại.

Xưa rảnh vẫn thường hay mang các điển hay tích lạ giảng cho các võ sinh trong lớp nghe, không biết mọi người có ai còn nhớ hay vì manh áo đồng tiền, nay đã quên tút nút hết rồi ?

Ngay khổ đầu bài thơ, tác giả viết:

大丈夫成家容易
Đại trượng phu thành gia dung dị
士君子立志不難
Sĩ quân tử lập chí bất nan
退一步自然幽雅
Thối nhất bộ tự nhiên u nhã.
讓三分何等清閒。
Nhượng tam phân hà đẳng thanh nhàn.

Khi giảng câu số 4 của khổ thơ thứ nhất “Nhượng tam phân hà đẳng thanh nhàn” mình đã giảng: Trong cuộc sống cần phải biết nhường nhịn (nhượng = 讓, tức nhường nhịn, chịu đựng) lẫn nhau, phải biết tiến biết lùi (thối nhất bộ = lùi một bước), biết lúc nào là lúc “Chồng giận thì vợ bớt lời”, lúc nào là lúc “cơm sôi” cần phải “nhỏ lửa” mới… chẳng đời nào khê ! Và có nhấn mạnh tình huống nhược xảy ra tranh chấp với hàng xóm thì phải biết “Nhượng tam phân”, tam phân ở đây phải hiểu là 3 phần tức nhượng 3 phần cho người còn mình thì chịu thua thiệt, lấy 2 tức lấy 2/3 thôi. Tam phân ở đây cũng hiểu là 3 phân đất.

Nếu xảy ra tranh chấp, 3 phân đất nếu ta cố giữ có giỏi thì cũng chỉ xây thêm được 1 hàng gạch, chẳng ích gì mà lại mất tình làng nghĩa xóm, mất đi cái nét văn hóa “tối lửa tắt đèn” tốt đẹp hàng ngàn đời của quốc gia, dân tộc. Và cũng tại các buổi này, mình còn phân chiết, nhấn mạnh vì nhiều lý do, 3 phân đất ấy đôi khi dễ xảy ra án mạng. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, tránh gia tăng áp lực, những muộn phiền không đáng có trong cuộc sống chi bằng ta “buông bỏ”, cho đi ! Cho đi không chỉ bản thân ta và các thành viên khác trong gia đình được thanh thản về tinh thần, đầu óc vô ưu v.v. mà hàng xóm nó cũng vui vẻ. Vui vẻ vì “yêu cầu” đã đạt được, “mục đích” đã chiếm được rồi, đã thỏa mãn cái lòng tham rồi v.v. và như vậy, mọi khúc mắc đã được hóa giải, dễ chuyển thù thành bạn… có khi lại thân thiết với nhau, sống chết với nhau cũng chẳng biết chừng.

Nay ở thôn Bồng Lai, tuy không phải là 3 phân đất nhưng rõ ràng, hậu quả là quá khốc liệt. Đùng một cái, 5 người thân trong một gia đình chỉ vì 0,5m đất mà táng mệnh thì không gì đau xót hơn phỏng? Vấn đề đặt ra ở đây tôi dám khẳng định rằng nếu biết trước hậu quả, chắc chắn không một ai trong chúng ta dám đem 5 mạng người ra đổi lấy 0,5m đất phải không nào ? Đây cũng chính là lý do vì sao trong đám tang con gái, đám tang của cha mẹ mình, trước linh sàng anh con trai của ông Hải liên tục uất nghẹn, anh đổ cái sự ra đi trong tức tửi, đường đột của con gái anh, của cha mẹ… mình chính là xuất phát từ cái lòng tham lam, thói ích kỷ hẹp hòi của mình bởi vậy mới liên miệng gào khóc 03 chữ “Lỗi tại con” ! Vì sao ? Bởi trước đó, giữa gia đình ông Hải và hung thủ (người bác ruột) đã đạt được thỏa thuận rằng khi xây nhà sẽ xây lùi vào 0,5m như đã nói trước đây. Đã thống nhất thế nhưng trước đêm động thổ, đêm xảy ra án mạng, vì không đồng ý nên anh con trai mới sang nhà bác đôi co và hành động đó mới chính là nguyên do đẩy mâu thuẫn trong gia tộc lên đến cao trào, mới là vòi châm cho thùng thuốc pháo nổ. Sự việc hay cớ sự xảy ra âu cũng là cái lẽ dễ hiểu phải chưa nào.

Ông bà ta xưa có câu “Lọt sàng xuống nia”, trong trường hợp này nếu xét kỹ hẳn sẽ thấy khôn sai và câu “Giận quá hóa dzồ”, hóa dại, hóa điên, hóa lãng xẹt v.v. cũng là có nguồn cơn, duyên cớ xuất phát của nó.

Thiển nghĩ không chỉ “Trị gia cách ngôn” của Hàn Dũ mà mấy câu Thành ngữ, cách ngôn của ông cha ta sẽ và mãi mãi chẳng bao giờ sai, nó sẽ mãi là bài học soi sáng cho muôn đời.

Sự việc xảy ra, không chỉ những người trong dòng họ đau lòng mà cả xã hội phải bàng hoàng, kinh hãi.

Xin hãy bớt cái dục vọng vật chất tầm thường trong mỗi con người lại. Sống chậm lại và hãy sống thật tử tế với nhau. Sống đúng và làm đúng cái bản năng của con người, đừng dùng những hành vi dị loại để đối phó với nhau.

Dưới đây xin đang lại nguyên văn bài “Trị gia cách ngôn” của Hàn Dũ khi xưa.


Võ sinh lớp Thái cực Thiều gia với bài thơ của Hàn Dũ trên cây quạt.

治家格言 – Trị Gia Cách Ngôn
Tác giả: Hàn Dũ – 韓愈

大丈夫成家容易。
Đại trượng phu thành gia dung dị
士君子立志不難。
Sĩ quân tử lập chí bất nan
退一步自然幽雅。
Thối nhất bộ tự nhiên u nhã.
讓三分何等清閒。
Nhượng tam phân hà đẳng thanh nhàn.

忍幾句無憂自在。
Nhẫn kỷ cú vô ưu tự tại.
耐一時快樂神仙。
Nại nhất thời khoái lạc thần tiên.
喫菜根淡中有味。
Cật thái căn đạm trung hữu vị.
守王法夢裡無驚。
Thủ vương pháp mộng lý vô kinh.

有人問我塵世事。
Hữu nhân vấn ngã trần thế sự.
擺手搖頭說不知。
Bãi thủ dao đầu thuyết bất tri.
寧可採山中之茶。
Ninh khả thái sơn trung chi trà.
莫去飲花街之酒。
Mạc khứ ẩm hoa nhai chi tửu.

須就近有道之士。
Tu tựu cận hữu đạo chi sĩ.
早謝卻無情之友。
Tảo tạ khước vô tình chi hữu.
貧莫愁兮實莫誇。
Bần mạc sầu hề, phú mạc khoa.
那見貧長富久家。
Na kiến bần trường, phú cửu gia./.